Các giai cấp khác cũng từ nông thôn mà ra nên tờ báo rất thân thiết với mọi nhà.
Sẻ chia kiến thức
Làm Chủ tịch Hội Nông dân, tôi mới hiểu Hội có rất nhiều công việc, toàn việc trực tiếp, cụ thể... Nhưng làm gì để phong trào hội sáng láng, thu hút hội viên? Người giúp tôi tháo gỡ băn khoăn chính là Báo NTNN. Báo có ít bài xa xôi, khó hiểu, mà ngược lại nội dung báo rộng, ngôn ngữ rất thân gần. Nông thôn là tiếng ru ngàn đời, là nơi gìn giữ bản sắc tâm hồn Việt.
Các cán bộ Hội Nông dân Đại Lai (Gia Bình, Bắc Ninh) đang đọc báo NTNN. |
Nông thôn mới là sự kết hợp hài hòa bản cổ và tân tiến. Những vấn đề tam nông được cập nhật, phản ánh trung thực, có địa chỉ cụ thể để mọi người liên hệ. Thông qua các chuyên gia, báo giới thiệu trăm nghề. Vì thế, nhận tờ báo mà chưa kịp đọc là như thiếu thiếu cái gì đó...
Ngày nay thế giới phẳng, ở bất kỳ đâu người ta cũng có thể liên lạc với nhau nên bên cạnh các chuyên san, ấn phẩm, báo còn mở thêm báo Điện tử Dân Việt để độc giả được cập nhật thông tin thường xuyên. Cầm tờ báo ra hàng ngày, tôi hay đọc các chuyên mục “Tâm điểm và bình luận”. “Mõ”, “Chuyện kể gốc đa”, “Nhật ký nhà văn”… Thông qua những hiện tượng, sự kiện có thật ở đâu đó, các bài viết nhẹ nhàng bình luận, chia sẻ, góp ý, khuyến cáo, nhắn gửi, khuyên nhủ chân thành và sâu sắc. Tôi thấy vui vì báo còn lập đường dây nóng để độc giả liên hệ, trở thành một người bạn tin cậy của mọi nông dân mỗi khi có vấn đề cần trao đổi.
Tôi nghĩ, cán bộ hội phải là bà đỡ của các phong trào, nhưng muốn làm bà đỡ thì phải tích lũy kiến thức. Vậy kiến thức ở đâu? Chính là từ cơ quan ngôn luận của Hội Nông dân Việt Nam. Cán bộ hội tập hợp thông tin từ báo, phổ biến lại cho nông dân sao cho sinh động, thiết thực, phù hợp mỗi hoàn cảnh, để hội viên vươn lên làm giàu ngay trên quê hương mình.
Thiết thực cho đời sống
Là nhà nông ai cũng biết, đất nước chúng ta đang xếp nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo, hồ tiêu, cao su, cá… Đó là sản phẩm của giai cấp nông dân - những người học trường thì ít, chủ yếu học đời. Trên thực tế, có rất nhiều nhà nông đã cải tiến, sáng chế những thiết bị, máy móc giúp tăng năng suất, giảm sức lao động, giảm chi phí, tạo được những cây, con độc đáo mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ở xã tôi có đại tá Trần Quang Đẩu về hưu, ông nuôi mấy chục con chim để cầu vui nhiều hơn là làm kinh tế. Tình cờ, qua báo NTNN, ông đọc được?một bài giới thiệu về tấm gương làm giàu nhờ nuôi chim nói rằng, chim có nhu cầu ăn muối rất cao, nếu không đáp ứng đủ, chim sẽ sinh bệnh tật, kém phát triển...
Sau một thời gian, ông Đẩu khẳng định, nhờ thông tin của báo, ông đã có thể nuôi chim có lãi, về hưu mà vẫn kiếm ra tiền phụ giúp con cháu. Ông tổng kết: “Nếu không làm chủ kỹ thuật, không có bí quyết chăn nuôi thì hòa đã khó chứ đừng nói là có lãi”.
Các hộ nuôi cá quê tôi rất lo sợ hiện tượng cá chết do môi trường. Sau khi tìm hiểu trên báo NTNN, họ đã tìm ra một giải pháp đơn giản mà hiệu quả, đó là thay nước, buộc bao vôi tôi ở đầu máy bơm. Nước xối vào bao, bao quay đi quay lại, vôi rỉ dần ra tan đều trong nước giúp khắc phục hiện tượng trên.
Anh Huộng - một người đồng hương của tôi, bỏ quê đi làm kinh tế xa nhưng không mấy hiệu quả nên đang thất vọng tràn trề. Nhân đọc được một bài báo trên NTNN về trồng chuối tiêu hồng trên đất bạc màu, anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Thuê mấy ha đất trũng ven đê trồng chuối và đạt thu nhập rất cao, anh kết luận: “Nông thôn còn rất nhiều cơ hội làm giàu, chỉ sợ không hiểu biết và thiếu quyết tâm. Cảm ơn tờ báo đã vạch ra cho tôi con đường sống”.
Báo NTNN còn thường xuyên cung cấp thông tin về vùng miền sản xuất, nơi tiêu thụ, về thị trường giá cả trong và ngoài nước, tập quán phong tục vùng miền, về thời cơ và thách thức, các nguy cơ và bài học để người dân nắm biết và tự điều chỉnh. Cái được đến từ từ, rất khó thống kê, song phong trào Hội trong cả nước lớn mạnh không ngừng, người liên kết tâm giao không ai khác là tờ báo. Cập nhật báo, mỗi cán bộ hội sẽ là một chuyên gia giỏi trong các phong trào hội.
Tôi là một độc giả thường xuyên, nên rất yêu quý một tờ báo 29 năm qua đã cống hiến tận tình, đã lắng nghe và thấu hiểu từng hơi thở của “tam nông”, đã cùng giữ đất, chống nạn hủy diệt rừng, hủy hoại thủy sinh, ô nhiễm môi trường... và tích cực bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của nông dân.
Các phóng viên của NTNN đã quyết liệt đeo bám, đưa tin đến cùng trong vụ cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật ở Tiên Lãng (Hải Phòng), vụ côn đồ hành hung nhà báo khi theo dõi giải phóng mặt bằng ở Văn Giang (Hưng Yên)..., rồi đến các vùng xa xôi phản ánh sự bất hợp lý về chính sách tái định cư, qua đó góp phần bảo vệ và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ văn minh.
Gần 3 thập kỷ qua, báo đã rất tích cực cổ vũ, kêu gọi lưu giữ, bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc, chọn lọc các ánh sáng văn hóa mới để nông thôn tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, khu vực “tam nông” hiện vẫn còn quá nhiều bất cập, nhà nông còn vất vả vì giá nguyên liệu đầu vào quá cao, tình trạng được mùa rớt giá, công cụ lao động chưa cải tiến… Vì vậy, chúng tôi mong báo sẽ có nhiều hơn những thông tin, gợi mở hướng đi mới cho nhà nông, giúp chúng tôi có thể làm giàu trên quê mình, bớt phải bươn chải tha hương. Chúng tôi hàng ngày đang mong mỏi điều đó.
Vũ Thế Thược (xã Đại Lai, Gia Bình, Bắc Ninh)