Dân Việt

Tiều phu nhảy tàu “đánh đu” với “tử thần” để mưu sinh

20/01/2013 06:31 GMT+7
(Dân Việt) - Chỉ một sơ sẩy nhỏ cũng có thể mất mạng như chơi nhưng các tiều phu nhảy tàu ở xóm nhà ga Kim Liên chẳng bao giờ có ý định từ bỏ công việc nguy hiểm và nặng nhọc này cả.

Đơn giản là vì họ chẳng biết làm nghề gì khác để mưu sinh. Một gánh củi nặng 30kg chỉ có giá vỏn vẹn khoảng 20.000 đồng nhưng lại giúp cho các tiều phu nuôi dưỡng ước mơ cho con cái học hành để đổi đời, thay phận.

Đánh đu với "tử thần"

4 giờ sáng, khi mọi người vẫn đang chìm trong giấc ngủ say thì những bác tiều phu nơi xóm nhà ga Kim Liên (quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) đã lục đục thức dậy để chuẩn bị “cơm đùm cơm nắm” cho cuộc hành trình mưu sinh của một ngày mới. Một cây rựa, một chiếc nón cời, một bộ đồ đã sờn vai, một đôi dép lào và một chai nước cùng cặp bánh chưng (có khi là cơm nắm) là hành trang họ phải mang theo.

img
Những tiều phu ngồi trên nóc tàu trong hành trình vào rừng

Gà gáy canh 5 cũng là lúc họ có mặt tại nhà ga Kim Liên để chờ những chuyến tàu sinh tử. Chuyến tàu hàng đầu tiên chầm chậm vào ga rồi dừng lại trong chốc lát. Nhanh như chớp, những người tiều phu vội vã nhảy lên bám vào những toa tàu để đi nhờ.

Những người chậm chân thì phải trèo cả lên nóc tàu để ngồi. Người yếu bóng vía gặp khi tàu chạy qua hầm, có cảm giác như trời sập trên đầu thì chắc không thể theo nghề này được. Một trong những nguyên tắc khi ngồi trên nóc tàu là không được đứng dậy, khi tàu đi qua khúc cua có thể mất thăng bằng ngã xuống đường ray hoặc tàu bất chợt vào hầm là mất mạng như chơi.

Trong bóng tối, các bác tiều phu không ngần ngại kể về cái nghề đi rừng đốn củi gian lao này. Anh Nguyễn Văn Em (53 tuổi, trú tại tổ 5, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) tâm sự: “Cái nghề đốn củi mưu sinh ni khổ lắm chú ơi! Nghề ni không những nặng nhọc mà còn đòi hỏi sự nhanh nhẹn nữa. Nhảy tàu cũng phải có kỹ năng, lóng ngóng là tàn phế cả đời”.

Để bốc được những bó củi nặng lên khoang tàu thì cần phải có sự phối hợp ăn ý của 2 người. Người ở dưới cất lên, người ở trên cửa tàu vịn lại và giữ chặt không cho bó củi rơi xuống trước khi đẩy vào vị trí an toàn. Tất nhiên, lúc này động tác phải nhanh, mạnh, dứt khoát, nếu không tàu chuyển bánh sẽ rất khó khăn trong việc đưa củi lên.

Hành trình từ ga Kim Liên qua ga Hải Vân Bắc dài 30km, vượt qua 6 hầm, 18 cầu với độ dốc cao khiến tàu phải chạy mất 1 giờ. Gần vào ga Hải Vân Bắc, tàu bắt đầu hãm phanh, tốc độ giảm xuống 10km/h.

Không đợi tàu dừng hẳn, “phi đội” tiều phu lập tức nhảy thẳng xuống lề đường rất mau lẹ. Họ tiếp đất nhẹ nhàng bằng cả hai chân, trong khi trên tay vẫn cầm cây rựa, cuộn dây để bó củi và một ba lô lương khô sau lưng.

“Họ nhảy tàu như rứa quen rồi. Nhảy xuống đây, họ chỉ cần đi bộ một đoạn ngắn là có đường đi thẳng vào rừng chứ nếu vào ga thì phải quành lại xa hơn nhiều” - một người bán hàng rong trên tàu cho biết.

Để vào được chỗ đốn củi, các tiều phu phải đi bộ thêm khoảng 5km đường rừng nham nhở, chằng chịt cây cối. Con đường dẫn đến khu vực đốn củi vừa hẹp, vừa dốc đứng, hai bên là cây cối rậm rạp, gai góc um tùm. Muốn kiếm được loại củi có giá tiền cao, các tiều phu càng phải vào sâu trong rừng thì mới có cơ may kiếm được củi chắc, tốt.

Đến khoảng 12 giờ trưa, không ai bảo ai, mọi người thấy đói là tự lấy bánh chưng và cơm nắm ra ăn. Bữa cơm đạm bạc nhưng ai nấy đều cảm thấy ngon sau mấy giờ lao động vất vả.

img
Củi càng chắc càng bán được nhiều tiền

Ăn xong, không kịp nghỉ ngơi, họ lại tiếp tục bắt tay vào công việc. Với những thao tác nhanh thoăn thoắt, cây củi được chặt ra thành từng khúc dài tầm 1 mét, xếp thành từng ôm, gom về chỗ có mặt bằng để bó. 15 giờ, củi đã kiếm đủ và được bó lại thành từng bó gọn gàng, mỗi bó nặng chừng 30kg. Mọi người lần lượt cất củi lên vai và vác ra tập kết ở hai bên đường ray gần ga Hải Vân Bắc. Hơn 18 giờ, đoàn tàu hàng chầm chậm vào ga.

Đợi đến lúc tàu chuẩn bị dừng, các tiều phu bốc vội củi lên toa tàu trống. Khi củi được chuyển lên hết, các tiều phu đã có mặt đầy đủ trên tàu cũng là lúc đoàn tàu chuyển bánh qua ga được một quãng. Mặt trời lúc này đã lặn từ lâu, đoàn tàu băng băng giữa màn đêm vượt đèo Hải Vân. Các tiều phu lại tranh thủ nằm rạp trên nóc tàu nghỉ ngơi, trò chuyện, trước khi thực hiện nốt khâu cuối cùng của một ngày làm việc là lăn củi xuống đường ray gần nhà.

Khát vọng đời sau

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi ngày 1 tiều phu kiếm được 3 bó củi, giá mỗi bó không quá 20.000 đồng. Trừ những ngày mưa gió, ốm đau, thu nhập của những người tiều phu nhảy tàu nơi đây chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Khoản thu nhập ấy chẳng đáng là bao so với mồ hôi, công sức và những hiểm nguy mà họ phải đối mặt. Tuy nhiên từ nhiều năm nay, hơn 20 hộ gia đình ở các xóm nhỏ dọc đường ray xe lửa gần ga Kim Liên vẫn bám trụ với cái nghề vất vả, nặng nhọc này.

Trong số những người gắn bó với nghề tiều phu, ông Nguyễn Văn Khánh (60 tuổi, trú ở tổ 6, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) là người cao tuổi nhất. Đi rừng từ năm 15 tuổi đến nay, ông đã có 45 năm trong nghề nhưng sức vẫn còn dẻo dai, đôi chân vẫn còn khỏe lắm.

img
Vác củi ra đường ray tập kết

Ông cảm thán: “Khoảng hơn 10 năm về trước, cả khu vực này đều làm nghề đốn củi. Thậm chí có người ở tít tận các phường Hòa Minh, Hòa Khánh cũng lên đây để đi rừng. Riêng tui, từ thời ba mẹ tui đã đi rừng, lớn choai choai tui cũng đã phải xách rựa vào rừng đốn củi rồi. Nhà nghèo, học hành ít nên đành phải vào rừng mà kiếm sống thôi”.

Vẫn biết làm nghề này là cực khổ, nguy hiểm nhưng nhiều người bảo vẫn phải theo thôi vì chẳng biết làm nghề gì khác. Củi ở đây sau khi khai thác xong bán khá chạy. Củi đi về mỗi ngày đều được mua hết. Khách hàng mua củi đa số là những chủ làm lò mì, lò bún.

Tuy chấp nhận an phận với nghề, nhưng không bao giờ các tiều phu ở đây để con cái của mình phải vào rừng đốn củi. Dường như trong thâm tâm, họ đã nhận ra cần có sự thay đổi về công việc cho con em mình chứ không thể cha truyền con nối mãi cái nghề bán mồ hôi và có thể bán cả mạng này.

Vì thế, tạo điều kiện cho con cái học chữ, học nghề để có được một tương lai tươi sáng, không phải "đánh đu" với "tử thần" là điều các tiều phu luôn mong muốn.

Theo Dòng Đời