Đánh giá cung cầu những mặt hàng thiết yếu cuối năm 2016 và dịp Tết Nguyên đán 2017, ông Lê Văn Bảnh - Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết: “Dự kiến tổng sản lượng lúa cả năm 2016 khoảng 44,207 triệu tấn.
Sau khi trừ tiêu dùng nội địa trong năm 2016 khoảng 28,26 triệu tấn, lượng lúa hàng hóa cần tiêu thụ cả năm là 16 triệu tấn, tương đương gần 8 triệu tấn gạo. Hiện lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp tính đến 31.10 là 1.191.019 tấn. Với nguồn cung này, những tháng cuối năm và dịp tết sẽ không có biến động về giá lương thực”.
Các mặt hàng nông sản phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2017 được dự báo rất dồi dào. Ảnh: I.T
Đối với mặt hàng thực phẩm, theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, năm 2016 tổng sản lượng thịt hơi các loại dự kiến sẽ đạt khoảng 5,039 triệu tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, thịt lợn hơi ước đạt 3,638 triệu tấn, thịt gia cầm 980.000 tấn, thịt trâu, bò khoảng 421.000 tấn… Nguồn cung sản phẩm thịt khá dồi dào, nhất là thịt lợn đang rất lớn do việc đầu tư, tăng đàn mạnh mẽ của người chăn nuôi thời điểm quý II, III.2016.
Đối với rau củ, diện tích rau năm 2016 dự kiến đạt khoảng 890.000ha, năng suất khoảng 177 tạ/ha. Giá rau xanh có xu hướng tăng từ cuối tháng 10 đến nay do miền Bắc mới bắt đầu vào vụ đông, trong khi tại miền Trung mưa lớn kéo dài, gây ngập úng nhiều diện tích rau màu, làm ảnh hưởng đến nguồn cung nên giá rau xanh tăng mạnh từ 20- 50% so với tháng trước.
Riêng tại miền Bắc, giá các loại rau củ quả tương đối ổn định. Nếu không có biến động lớn về thời tiết, khí hậu thì lượng rau sản xuất ra từ nay đến cuối năm vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt trong dịp cuối năm 2016.
Nhằm tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết sẽ chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong chuỗi và từng bước hình thành các chuỗi sản xuất, kinh doanh rau an toàn; tăng cường công tác kiểm dịch, nhất là đối với rau quả nhập khẩu.
Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam khẳng định: “Bộ sẽ triển khai các giải pháp bình ổn giá thị trường, vừa tránh tăng giá đột ngột làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, nhưng vẫn khuyến khích được sản xuất trong nước. Tiếp tục giám sát chặt chẽ dịch bệnh, hướng dẫn kiểm tra an toàn thực phẩm, theo dõi sát diễn biến cung cầu, làm việc với các hiệp hội ngành hàng để không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá dịp tết”.