Đồng Tháp với thế mạnh là cây lúa và là một trong những địa phương có sản lượng lúa lớn nhất cả nước. Vì vậy, trước nhu cầu bức thiết trong sản xuất mới, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện mô hình cánh đồng liên kết từ khá sớm.
Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nhằm góp phần giải tỏa đầu ra cho nông sản
Khởi động từ năm 2011 với diện tích liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa chỉ gần 2.400ha và số lượng doanh nghiệp tham gia đồng hành cũng khá khiêm tốn, chỉ 2 công ty. Tuy nhiên, với sự ưu việt của mô hình, cánh đồng liên kết ngày càng trải rộng ra toàn tỉnh. Năm 2016, tổng diện tích thực hiện liên kết là 84.000ha với 46 công ty, doanh nghiệp tham gia. Hình thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ được các doanh nghiệp thực hiện khá linh hoạt với 7 hình thức... Đây được xem là những thông số phản ánh tính ưu việt của mô hình và người dân ngày càng tiếp cận được các phương thức sản xuất mới.
Điểm nổi bật của cánh đồng liên kết là doanh nghiệp sẽ đảm bảo đầu ra và người nông dân chỉ chuyên chú trọng sản xuất đáp ứng nhu cầu hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế của việc liên kết gắn với tiêu thụ không diễn ra suôn sẻ. Giữa các bên chưa đi đến thống nhất chung trong làm ăn, vì vậy dẫn đến sự chênh lệch khá nhiều giữa diện tích liên kết và diện tích thực tế tiêu thụ. Trong giai đoạn 2011-2016, tổng diện tích lúa tham gia cánh đồng liên kết gắn với tiêu thụ là trên 320 ngàn ha. Trong đó, diện tích thực tế tiêu thụ đạt gần 78,5 ngàn ha, sản lượng đạt được trên 500 ngàn tấn, chỉ đạt trên 24% so với diện tích liên kết.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên được ngành nông nghiệp chỉ ra là khi thị trường lúa gạo có sự chênh lệch so với hợp đồng thì 1 trong 2 bên tự ý hủy giao kèo. Đồng thời, người nông dân nhận thức chưa đầy đủ về mô hình, họ cho rằng khi tham gia cánh đồng liên kết, Nhà nước phải đầu tư, hỗ trợ mua với mức giá cao hơn thị trường. Riêng một số hợp tác xã (HTX) lại thiếu năng lực trong thương thảo hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Một số chính sách đầu tư của các doanh nghiệp chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, cũng như cách thu mua chốt giá, thanh toán chưa thỏa đáng với nhu cầu của nông dân.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ - Khoa Phát triển nông thôn Trường Đại học Cần Thơ, việc liên kết 4 nhà là hết sức cần thiết nhưng đến nay vẫn chưa có mô hình nào hữu hiệu và bền vững. Nguyên nhân do sự sẻ chia lợi nhuận giữa nông dân và doanh nghiệp chưa tương xứng. Do “không cùng thuyền” nên liên kết không bền vững. Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, điều cần thiết nhất trong liên kết tiêu thụ hướng đến sản xuất theo chuỗi là cần có ràng buộc giữa nhu cầu và lợi ích một cách hài hòa, lâu dài trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, cùng chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm trên sản phẩm cuối cùng.
Theo ông Phan Công Chính - Giám đốc HTX Tân Bình, việc liên kết tiêu thụ hiện nay khó do thị trường xuất khẩu gạo bị cạnh tranh. Vì vậy, điều cần thiết trong điều kiện hiện nay là doanh nghiệp cần dự báo được thị trường để định hướng trong liên kết. Ngoài ra, điều quan trọng không kém là không chỉ có HTX và doanh nghiệp mà cần thêm chất “kết dính” của chính quyền địa phương để việc liên kết tiêu thụ được chặt chẽ hơn...
Về định hướng để liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ đạt được kết quả cao hơn trong thời gian tới, ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, cần nâng cao nhận thức vai trò của chủ thể trong mô hình liên kết. Người nông dân sẽ đáp ứng sản phẩm chất lượng, giảm giá thành và doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu thị trường, chia sẻ lợi ích, rủi ro với người nông dân. Ngoài ra, việc sử dụng, khai thác thế mạnh của thương lái trong liên kết cũng góp phần rất lớn trong liên kết tiêu thụ bền vững...