Về xã Hải Phú, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi bộ mặt làng quê nơi đây. Cánh đồng trồng lúa bạc màu trước đây giờ đã trở thành những mô hình chăn nuôi kết hợp lợn - cá được quy hoạch liên hoàn.
Nhờ mô hình chăn nuôi cá - lợn kết hợp, nhiều gia đình ở xã Hải Phú đã giàu lên. |
Trước đây, đời sống của người dân nơi đây chủ yếu là trồng lúa, đi rừng lấy củi. Nhưng từ năm 2007 đến nay, nhiều hộ gia đình mạnh dạn chuyển đổi phương thức làm ăn bằng cách đào ao thả cá và kết hợp chăn nuôi lợn. Toàn xã Hải Phú hiện nay có trên 43 mô hình cá - lợn, mỗi năm cho thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng.
Ông Văn Hồng Lưu (49 tuổi, thôn Long Hưng) - hộ tham gia mô hình cá - lúa cho biết: “Nhà tôi trước đây chủ yếu làm mấy sào ruộng bạc màu nên kinh tế vô cùng vất vả. Đến năm 2008, sau khi thấy nhiều gia đình trên địa bàn phát triển mô hình lợn- cá có hiệu quả, nên tôi cũng đã mạnh dạn bỏ công sức đào 2 khu hồ 0,6ha, thả trên 2 vạn con giống cá nước ngọt và xây chuồng trại nuôi thêm gần 150 con lợn thịt/năm. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm nuôi cá, lợn qua sách báo và những người đi trước, nên đến nay gia đình tôi không những thoát khỏi cảnh cơ cực mà cũng đã có của ăn của để”.
Ông Văn Viết Kỳ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Phú cho biết: “Hải Phú là xã nằm đầu nguồn nước nên mô hình chăn nuôi cá - lợn kết hợp phát triển rất hiệu quả, ít dịch bệnh xảy ra. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra khắp toàn xã để người dân có nhiều cơ hội phát triển kinh tế, yên tâm sản xuất làm giàu”.
Vĩnh Định