Phần cơm dư hấp lại lúc nồi cơm cạn nước ăn không còn ngon nữa, ai cũng chê. Cho phần cơm này vào thức ăn thừa để người ta nuôi heo thì uổng nên má để dành, sáng hôm sau rải lên tờ báo cũ trải trên mặt sịa đem phơi. Vừa phơi má vừa huơ tay đảo cho hạt cơm khô đều. Chỉ cần một vài cơn nắng dữ là cơm phơi khô khốc. Má cho tất cả vào chiếc thùng thiếc hiệu con Gà, đậy kín nắp, để đó.
Những đêm tối ở vùng quê xưa, nhiều khi đói bụng hoặc buồn miệng chẳng có gì ăn. Những lúc như vậy, má hốt mấy nắm cơm khô trong thùng thiếc cho vô chảo rang. Khi những hạt cơm nở chín vàng là lúc má chan nước đường vào. Nước đường làm từ đường chảy. Đường chảy là loại đường thô, làm thủ công, sền sệt như bột nhão, đựng trong thùng thiếc hoặc khạp da bò. Đường chảy bán ký, đựng trong chiếc lá môn nên khi sớt vô vật đựng trong nhà không hao hớt vì dính bao bì.
Xã hội ngày càng phát triển, hiếm khi có nhà nào lấy phần cơm dư thừa phơi khô để dành dụm làm miếng ăn “vặt” trong những lúc đói lòng. Ảnh: T.L
Trên ngọn lửa liu riu, nước đường chảy quyện vào từng hột cơm nở chín vàng trong chảo. Những hột cơm khô khốc dần mềm ra. Bấy giờ má bắc chảo xuống. Đợi cơm dần bớt nóng, má nắm từng vốc trong tay, vo thành từng viên tròn như trái banh nhỏ. Đó là món quà quê của anh em chúng tôi ăn trong những đêm hè oi ả hay những đêm mưa gió dầm dề bụng nao nao đói. Ngon không thể tả.
Bây giờ, những lúc gió mưa ủ ê, những đêm hè xao xác gió lùa, tôi thao thức nhớ những miếng cốm dân dã làm từ cơm khô của má. Thèm, nhớ, tôi bắt chước má phơi cơm nguội để dành, lâu lâu làm cốm cho con ăn. Đứa nào cũng gật gù thích thú.
Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, điều kiện sung túc hiếm khi có nhà nào lấy phần cơm dư thừa phơi khô để dành dụm làm miếng ăn vặt trong những lúc đói lòng.