Dân Việt

Bộ trưởng Ấn Độ gây sốc khi nói về hiếp dâm

Trà My - The Guardian 24/11/2016 10:55 GMT+7
Bà Maneka Gandhi cho rằng tin tức về hiếp dâm đang bị phóng đại ở Ấn Độ, và nước này là 1 trong 4 quốc gia có số vụ hiếp dâm ít nhất thế giới.

img

Maneka Gandhi, Bộ trưởng Bộ Phụ nữ và Phát triển trẻ em Ấn Độ

Một bộ trưởng của Ấn Độ vừa tuyên bố vấn đề hiếp dâm và bạo lực tình dục của quốc gia này đang bị truyền thông phóng đại, khiến suy giảm lượng khách du lịch, Guardian đưa tin.

Maneka Gandhi, Bộ trưởng Bộ Phụ nữ và Phát triển trẻ em, nói trong một hội thảo dành cho các nhà báo nữ rằng Ấn Độ là 1 trong 4 nước có số vụ hiếp dâm ít nhất thế giới, theo một số người tham dự.

Trả lời một câu hỏi về việc tại sao chính phủ không hành động chống hiếp dâm, Bộ trưởng cho biết: "Tôi đã đến Thụy Điển hai năm trước. Lúc đó, vì sự cố Nirbhaya, ở đó có hiếp dâm hàng ngày”. Bà cũng đề cập đến vụ hiếp dâm tập thể ở Delhi, vụ việc thu hút chú ý quốc tế vào cuộc khủng hoảng hiếp dâm của Ấn Độ, tờ Times of India đưa tin.

"Có một người nói với tôi rằng không ai muốn du lịch đến Ấn Độ nữa. Tôi mang dữ liệu và đưa cho ông ấy xem. Theo dữ liệu trên thế giới, chúng ta là 1 trong 4 nước có số vụ hiếp dâm ít nhất. Thụy Điển là nước đứng đầu".

img

Nữ sinh Ấn Độ biểu tình kêu gọi tử hình 4 người đàn ông cưỡng hiếp đến chết nạn nhân ở Delhi

Gandhi khẳng định do truyền thông Ấn Độ quá nhấn mạnh vào hiếp dâm, lượng du khách nước ngoài mới suy giảm. Bà nói: "Tại những nước khác, hiếp dâm không phải là tin tức lớn, vì báo chí của họ không đưa tin về hiếp dâm như chúng ta. Chúng ta không nhân nhượng với hiếp dâm và chúng ta viết về nó hàng ngày”.

Tuy nhiên, những phát ngôn của bà Gandhi bị dân chúng nước này phản đối.

Theo một cuộc khảo sát của các chuyên gia toàn cầu trong năm 2012, Ấn Độ bị bình chọn là nơi tồi tệ nhất trên thế giới cho phụ nữ, thậm chí còn tồi hơn các nước như Ả rập Saudi. Hiếp dâm thường không được báo cáo. Những người phụ nữ bị hiếp dâm thường bị chỉ trích là ăn mặc hở hang, uống rượu hoặc ra ngoài khi trời tối nên mới bị lạm dụng.

Nạn nhân cũng có thể phải đối mặt với sự kỳ thị xã hội: nhiều người bị coi là “bẩn thỉu”, không thích hợp để kết hôn sau khi họ bị cưỡng hiếp. Nhiều cảnh sát gạt bỏ báo cáo hiếp dâm, ép buộc phụ nữ không được nói thêm về vụ việc. Cưỡng hiếp trong hôn nhân cũng không bị coi là phạm pháp ở Ấn Độ.

Còn Thụy Điển là nơi có những định nghĩa rất rõ ràng về hiếp dâm và người dân thường báo cáo mọi sự cố như một tội danh riêng biệt. Vì vậy, nếu một người đàn ông cưỡng hiếp một phụ nữ 10 lần, ông ta sẽ phải đối mặt với 10 án riêng. Tại Ấn Độ, các vụ riêng được gộp lại với nhau như một án phạt.