Dân Việt

4 năm kiện nhau vì... cây dương liễu

10/01/2013 06:16 GMT+7
(Dân Việt) - Chỉ vì một cây dương liễu mà 2 gia đình phải kiện cáo kéo dài đến 4 năm. Ngoài ra, để xử cho ra vụ án phức tạp này, tòa phải dùng đến biện pháp khai quật gốc cây...

Kiện vì… danh dự gia đình

Ông Nguyễn Ngọc Nga (SN 1954, ở khối phố An Hà Nam, phường An Phú, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) là người thắng kiện, cho biết: “Vợ chồng tôi kiện vợ chồng ông Nguyễn Mân (89 tuổi) ra TAND TP.Tam Kỳ đòi lại cây dương liễu là vì danh dự của cả gia đình. Cuối cùng, sau nhiều năm theo kiện vất vả, chúng tôi đã đòi được danh dự, nhưng cây dương liễu thì chưa”.

img
Một đoạn cây dương liễu được con ông Mân chở về bỏ trong sân nhà.

Theo hồ sơ vụ kiện, năm 1976, vợ chồng ông Nga trồng nhiều cây dương liễu xung quanh nhà, nhưng chỉ còn lại 1 cây duy nhất cách nhà vài bước chân. Để “làm dấu” cây dương liễu của mình, vợ chồng ông bỏ xung quanh gốc cây nào là ông táo, bình vôi và lò nấu trấu cũ để tránh bị người khác chặt phá. Đến ngày 20.1.2009, vợ chồng ông gọi người đến bán cây dương liễu này. Bất ngờ, ông Nguyễn Mân, hàng xóm ông Nga, ra ngăn cản không cho chặt cây và cho rằng cây này là của mình.

Kể từ đó, cuộc tranh chấp cây dương liễu giữa 2 gia đình xảy ra quyết liệt. Để phân giải, UBND phường An Phú tổ chức cho 2 gia đình hòa giải. Cha con ông Mân đồng ý sung công quỹ và ký vào biên bản. Còn gia đình ông Nga cương quyết không đồng ý. Bất ngờ vài ngày sau, nhân lúc gia đình ông Nga đi ăn giỗ ở xa, con trai ông Mân là Nguyễn Hòa vác cưa ra đốn hạ cây dương liễu, cưa làm 13 khúc rồi chở về nhà. Biết chuyện, ông Nga bỏ ăn giỗ giữa chừng, chạy về ngăn nhưng không kịp. Ông Mân cho rằng, con ông chặt cây dương liễu vì nó là của ông, do ông trồng thời đi dân công, nhưng không nhớ năm nào (?).

Ngay sau đó, ông Nga đâm đơn ra tòa kiện ông Mân. Lúc này, do để ngoài mưa nắng nên 13 khúc cây dương liễu, chất lượng gỗ chỉ còn 30%, khối lượng gỗ đo được là 0,7958m3, giá trị là 405.900 đồng.

Bằng chứng ở dưới gốc cây

TAND TP.Tam Kỳ thụ lý vụ việc và đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Tranh chấp quyền sở hữu về tài sản”. Tại tòa, ông Nga yêu cầu khai quật gốc cây dương liễu lên để khẳng định cây dương liễu là của mình, vì ông đã làm dấu dưới gốc cây bằng ông táo, bình vôi và lò nấu trấu cũ.

Ngày 27.7.2011, TAND TP.Tam Kỳ, đã cho khai quật gốc cây dương liễu trước sự chứng kiến của 2 gia đình, chính quyền và người dân. Kết quả, theo Tòa sơ thẩm: “Trong phạm vi bán kính 1,5m (xung quanh gốc cây dương liễu) đã thu được 12 mảnh sành ông táo, bình vôi và lò nấu trấu bị vỡ. Ngoài phạm vi bán kính 1,5m (xung quanh gốc cây dương liễu) cũng thu được 9 mảnh sành ông táo, bình vôi, lò nấu trấu vỡ và cũng có bình vôi còn nguyên”. Như vậy là đúng với lời khai của ông Nga! Tuy nhiên, không hiểu sao, sau đó Tòa sơ thẩm lại bác đơn kiện của vợ chồng ông Nga và kết luận: Cây dương liễu thuộc về gia đình ông Mân (?).

Không đồng tình với kết luận của Tòa sơ thẩm, gia đình ông Nga kháng án lên Tòa phúc thẩm. Trong phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Quảng Nam nhận định, vợ chồng ông Nga đã chứng minh được cây dương liễu là của mình (thể hiện qua kết quả khai quật gốc cây của Tòa sơ thẩm). Tòa phúc thẩm khẳng định có căn cứ để xác định cây dương liễu là của gia đình ông Nga, việc Tòa sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện là không khách quan. Tòa phúc thẩm kết luận: Vợ chồng ông Mân phải trả cho gia đình ông Nga 405.900 đồng, bằng giá trị của cây dương liễu tại thời điểm này.

Dù thắng kiện, vợ chồng ông Nga vẫn than thở: Chẳng biết đến khi nào mới nhận được số tiền thắng án từ gia đình ông Mân.