Dân Việt

Người bị trâu điên tấn công thủng phổi, vỡ gan mỏi mòn chờ quyền lợi

Ngọc Vũ 24/11/2016 15:20 GMT+7
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp đường 9 đã thiếu trách nhiệm, chậm điều tra tai nạn lao động khiến người lao động – nạn nhân bị bầy trâu điên tấn công chưa được hưởng quyền lợi chính đáng của mình.

img

Anh Doanh bị trâu húc thủng phổi, vỡ gan.

Trả lời Dân Việt ngày 24.11, ông Nguyễn Lộc, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị cho biết, Công ty Lâm nghiệp đường 9 chậm điều tra tai nạn lao động (TNLĐ) là lỗi của công ty, cần phải nhận trách nhiệm và đảm bảo quyền lợi quyền lợi cho người lao động là anh Phan Doanh - người bị bầy trâu điên tấn công dẫn đến thủng phổi, vỡ gan.

“Là doanh nghiệp thì phải hiểu và thực hiện đúng luật. Công ty Lâm nghiệp đường 9 không thể nói không biết quy định là xong. Quan điểm của Sở LĐTBXH là phải đảm bảo chế độ, quyền lợi cho người lao động” – ông Lộc nói.

Trong một văn bản gửi BHXH TP.Đông Hà, ông Nguyễn Đăng Bảo – Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Trị cho rằng, Công ty Lâm nghiệp đường 9 đã vi phạm quy định về thời hạn điều tra TNLĐ nhưng đã kịp thời khắc phục. BHXH TP.Đông Hà cần vận dụng quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động (khoản 1, điều 59, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7) để giải quyết chế độ cho anh Doanh.

img

Biên bản điều tra TNLĐ của Công ty Lâm nghiệp Đường 9 lập từ ngày 17.6 nhưng đến ngày 6.10 mới gửi cho BHXH.

Tuy nhiên, ông Trần Trung Thành - Phó Giám đốc BHXH TP.Đông Hà lại cho rằng, anh Doanh bị tai nạn ngày 9.5, trước khi Luật An toàn, vệ sinh lao động có hiệu lực (1.7), vì vậy, không thể vận dụng Luật An toàn, vệ sinh lao động như ý kiến của Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Trị mà phải áp dụng thông tư 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT để thực hiện.

Cụ thể, việc báo cáo TNLĐ không quá 5 ngày làm việc đối với TNLĐ nặng. Như vậy, thời điểm anh Doanh bị TNLĐ là ngày 9.5 nhưng đến ngày 17.6 Công ty mới lập biên bản TNLĐ, rồi mãi đến ngày 6.10 mới nộp hồ sơ TNLĐ đến BHXH là quá chậm, không đúng quy định.

Theo ông Thành, chỉ có cách duy nhất là Công ty phải có tờ trình gửi Liên đoàn Lao động và Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh trình bày vụ việc, giải trình lý do chậm điều tra TNLĐ. Sau đó, 2 cơ quan trên sẽ tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến Bộ LĐTBXH, nếu Bộ đồng ý thì BHXH sẽ giải quyết chế độ cho anh Doanh.

img

Ông Trần Trung Thành - Phó Giám đốc BHXH TP.Đông Hà.

Như Dân Việt liên tục đưa tin, khoảng 17h chiều 9.5, anh Phan Doanh (SN 1982, trú thôn Huỳnh Thượng, xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh, Quảng Trị - là công nhân Công ty Lâm nghiệp đường 9) trên đường đi làm về đã bị một bầy trâu điên húc dẫn đến đa vết thương, thủng phổi, vỡ gan…

Đến ngày 17.6, Công ty mới lập đoàn điều tra TNLĐ, giám định tỷ lệ thương tật của anh Doanh là 81%. Sau đó, Công ty đã lập hồ sơ giải quyết chế độ TNLĐ nộp cho BHXH TP.Đông Hà. Tuy nhiên, BHXH TP.Đông Hà đã không chấp nhận hồ sơ với lý do Công ty lập biên bản điều tra TNLĐ chậm so với quy định.

Ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty biện minh rằng, đơn vị lập biên bản điều tra TNLĐ chậm do đây là lần đầu tiên đơn vị xảy ra TNLĐ nên chưa nắm hết các văn bản quy định.

Trao đổi với PV, anh Doanh cho biết, hiện sức khỏe vẫn còn rất yếu, không làm được việc gì và vẫn đang mòn mỏi chờ nhận được chế độ TNLĐ để có tiền tiếp tục điều trị vết thương.