Tôi quen anh Hoàng Hiệp từ năm 1956, khi anh tập kết từ Nam ra Bắc và theo học tại Trường Âm nhạc Việt Nam lúc đó còn đóng ở 32 Nguyễn Thái Học (Hà Nội). Tôi và anh học cùng khóa, hồi đó, tôi học khoa Thanh nhạc, đã có ấn tượng với anh, một người con trai miền Nam tính tình hòa nhã, vui vẻ. Ngay từ hồi đó, Hoàng Hiệp đã thể hiện anh là người có tài năng sáng tác khi viết nên bản “Câu hò trên bến Hiền Lương” từ một bài thơ lục bát ngắn của nhà thơ Đằng Giao.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp. |
Tôi còn nhớ sáng hôm ấy, anh mang bản nhạc đến cho tôi, bảo: “Bình ơi, tao vừa viết được bài này, mày xem có hát được không?”. Tôi cầm bản nhạc và đọc lời, tự nhiên thấy trong lòng dâng lên một nỗi xúc động. Bài hát vừa mang tính thời đại, vừa là nỗi lòng riêng của những người “ngày Bắc đêm Nam”. Nỗi xót xa của tình cảm riêng- chung khi đất nước bị chia cắt 2 miền được ẩn sâu trong chất nhạc mang tính dân gian, mà tài ở chỗ, chất nhạc ấy đậm tính dân gian nhưng không hề phân biệt rõ vùng miền, rất hài hòa lắng đọng, chỉ cần khúc dạo đầu trỗi lên là đã thu hút mọi cảm xúc của người nghe.
Chính bởi vì nó đầy chất tự sự trữ tình sâu lắng nên nó có một số phận khá thiệt thòi, đã có một thời “Câu hò trên bến Hiền Lương” bị xếp vào diện “hạn chế” hát cùng với một số ca khúc khác như “Tình ca” của Hoàng Việt, “Tình em” của Huy Du... vì thời điểm ấy, đất nước đang dành toàn bộ sức lực và tinh thần cho cuộc chiến. Tôi nghĩ, đó cũng là một khoảng lặng của lịch sử mà người nghệ sĩ sáng tác cũng phải thông cảm và chấp nhận, bởi chỉ là “hạn chế” thôi, còn về mặt chính trị, nó hoàn toàn không có sai sót gì. Sau này, khi được hát lại, đó cũng là bài hát gắn bó với tên tuổi những giọng ca nữ hàng đầu của VN như Tân Nhân, Thanh Huyền, Thu Hiền... và bây giờ là Anh Thơ.
Sau năm 1975, anh Hoàng Hiệp đưa gia đình trở về Nam, trên mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, chúng tôi vẫn luôn giữ mối quan hệ thân thiết. Anh ở Hội Âm nhạc TP.HCM, tôi ở Hội Âm nhạc Hà Nội, hai hội kết nghĩa với nhau, vào mỗi dịp 30.4 hay 10.10, chúng tôi đều được gặp nhau trong tay bắt mặt mừng chan hòa niềm vui.
Nói về tình yêu anh dành cho Hà Nội thì không thể không nhắc đến ca khúc “Nhớ về Hà Nội” vào năm 1984, nhân dịp 30 năm giải phóng thủ đô. Trong tình yêu dành cho Hà Nội, có tình yêu của anh dành cho người vợ của mình, chị Diễm Lan- một cô gái Hà Nội ở phố Nguyễn Du nên tình cảm mới thăng hoa để làm nên một tác phẩm da diết đến thế. Câu hát “Nhớ phố Quang Trung đường Nguyễn Du, những đêm hoa sữa thơm nồng” hay là “Nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya…” là âm thanh quen thuộc mà mỗi sáng chủ nhật, chị Diễm Lan bế con lên xe điện ra phố Thụy Khuê, ra đường Cổ Ngư. “Và nhớ lúc bom rơi lửa chiến tranh, đất rung ngói tan gạch nát. Em vẫn đạp xe ra phố, anh vẫn tìm âm thanh mới, bài hát đôi ta là khúc quân ca, là ước mơ xa hướng lên Ba Đình, tràn niềm tin!” – những câu hát gắn liền với mối tình của anh dành cho Hà Nội.
Tôi phải khẳng định, trong giới nhạc sĩ ở VN, hiếm có nhạc sĩ nào phổ thơ tài như anh Hoàng Hiệp, những ca khúc như “Trường Sơn Đông- Trường Sơn Tây”, “Lá đỏ”, “Cô gái vót chông”, “Đất quê ta mênh mông”, “Mùa chim én bay”, “Ngọn đèn đứng gác”, “Thơ tình lính biển”... anh phổ nhạc cho thơ với tư cách là đồng tác giả làm cho thơ tái sinh ở một dạng thức mới, đưa cả ý tình của mình vào đó rất hài hòa, để lại những tác phẩm lớn cho đời.
Nghe tin anh qua đời, tôi thấy lòng nghẹn lại, vẫn biết con người ai rồi cũng có lúc phải ra đi nhưng phải từ biệt anh, một người tài hoa, hiền hòa, thân ái. Anh đã dâng trọn đời mình cho đất nước, cho quê hương, cho âm nhạc và đồng bào thân thương của anh. Mỗi bản nhạc anh tặng cho đời là những kết tinh tình yêu của anh. Tôi trân trọng vô cùng những điều đó.
Nhạc sĩ Hồ Quang Bình