Dân Việt

Đà Nẵng dẹp bỏ 1.000 tàu cá gần bờ: Ngư dân còn nhiều e ngại

Đình Thiên 25/11/2016 06:25 GMT+7
Với ý định giảm tàu nhỏ và đẩy mạnh khai thác du lịch biển, UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch dẹp bỏ gần 1.000 tàu, phương tiện công suất nhỏ của ngư dân. Tuy nhiên, đa số ngư dân có tàu cá gần bờ đều rất khó khăn và đã lớn tuổi, việc vận động họ lên bờ không hề dễ dàng.

Biển là nguồn sống

Chung cư Nguyễn Đức Cảnh (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng) nhìn bề ngoài khá cũ kỹ, nhiều mảng tường đã bong tróc nhưng tiếng cười luôn rộn rã. Chung cư này, phần lớn là ngư dân nghèo hành nghề đánh bắt gần bờ. 

Tiếng cười vang tắt hẳn khi chúng tôi nhắc đến “Đề án giảm tàu công suất nhỏ” mà UBND TP.Đà Nẵng mới ban hành. Ông Nguyễn Khiêm lo lắng: “Hơn 50 tuổi rồi, có chiếc thúng đi biển ngày kiếm năm, bảy chục nghìn để nuôi sống gia đình, thành phố dẹp bỏ thật thì nhà tôi không biết phải làm gì”.

Ông Khiêm giãi bày, nhà ông có 2 đứa con, đứa thần kinh không ổn định, gần 30 tuổi rồi nhưng ăn không ngồi rồi. Vợ ông đau yếu liên miên chỉ phụ ông sửa soạn cái lưới. Hơn 20 năm nay, cả gia đình ông sống nhờ vào chiếc thúng nhỏ ra vào đánh bắt ở vịnh Đà Nẵng.

img

Chị Bé lo lắng thành phố dẹp tàu nhỏ, cuộc sống gia đình chị không biết trông vào đâu.  
Ảnh: Đình Thiên

Hoàn cảnh không khá khẩm hơn ông Liên là bao, gia đình chị Trần Thị Bé (SN 1976) cũng sống nhờ vào chiếc thúng máy của chồng. “Chồng tui không đi biển thì biết làm gì nữa. Thu tàu nhỏ không có sức để đi bạn cho tàu lớn. Đi làm công nhân cũng không được vì lớn tuổi mất rồi, đâu còn nhanh nhạy như tụi trẻ mà học nghề cho được. Nếu thành phố  dẹp bỏ thật thì chúng tôi gặp nhiều khó khăn lắm” - chị Bé chia sẻ.

Ông Lê Văn Xinh, (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, chia sẻ: “Nghe nói khi thành phố dẹp bỏ tàu sẽ hỗ trợ từ 5-30 triệu đồng đối với mỗi phương tiện. Với chừng này tiền chúng tôi làm cái gì để sống? Chi tiêu ít bữa rồi cũng hết. Thành phố ép quá chúng tôi chỉ còn đường đi bán hàng rong, bán vé số mà thôi”.

Ông Đặng Công Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân TP.Đà Nẵng cho rằng, đằng sau con số 1.200 lao động sẽ phải lên bờ là hàng nghìn thành viên gia đình họ cũng bị ảnh hưởng theo.  Những đối tượng này không có tiềm lực để đóng hay nâng cấp phương tiện lên công suất lớn hơn, trong khi cơ chế hiện tại khó có thể đáp ứng cho họ vay đủ vốn. Làm không khéo, cuộc sống hàng nghìn người dân sẽ rất khó khăn.

Ngư dân nghèo đi về đâu?

Ngư dân có tàu thuyền nhỏ đa số có trình độ dân trí thấp, kinh tế rất khó khăn và đã lớn tuổi. Họ không thể lên bờ học nghề để làm công nhân, hay đi buôn bán nhỏ, kinh doanh… vì vậy nên có chính sách cho những hộ này vay ưu đãi số tiền lớn hơn 100 triệu đồng/hộ để họ nâng cấp phương tiện tiếp tục bám biển”. 
Bà Nguyễn Thị Hạnh

Ông Nguyễn Đỗ Tám-Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Đà Nẵng cho biết, đề án giảm số lượng tàu thuyền công suất nhỏ hơn 20CV, UBND thành phố đã thống nhất thực hiện. Hiện TP.Đà Nẵng có hơn 1.000 tàu thuyền, thúng gắn máy công suất dưới 20CV. Số phương tiện có 1.200 lao động thường xuyên đánh bắt ven bờ. “Số lượng phương tiện khai thác gần bờ lớn như vậy, thời gian qua đã làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ, gây ô nhiễm biển, đặc biệt hệ sinh thái biển dần bị cạn kiệt. Do vậy, việc xóa hết thuyền thúng gắn máy, giảm tàu công suất nhỏ (dưới 20CV) xuống còn 150 chiếc đến năm 2020 là một chủ trương đúng, cần phải làm ngay để bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như quá trình phát triển ngành du lịch biển TP.Đà Nẵng trong tương lai” - ông Tám nói.

Ông Tám còn cho hay, thành phố sẽ tiến hành rà soát, thống kê các lao động làm việc trên các phương tiện về độ tuổi, trình độ, hướng học nghề, nhu cầu vay vốn, hướng chuyển đổi nghề…; phối hợp Sở LĐTBXH, Hội Nông dân thành phố, Hội Nghề cá, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để hướng dẫn chuyển đổi nghề, bố trí công việc cho lao động…

Tuy trên văn bản của UBND thành phố là vậy, nhưng hầu hết ngư dân khi được hỏi đều không biết chuyện thành phố sẽ giảm tàu nhỏ chứ chưa nói đến chuyện chính quyền lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ.

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân phường Thuận Phước (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho rằng, việc thành phố giảm số lượng tàu thuyền đánh bắt gần bờ là định hướng đúng. Tuy nhiên cần phải lấy ý kiến người dân, xem xét từng trường hợp cụ thể mới không đẩy người dân vào chỗ đói nghèo vì mất sinh kế.

“Ngư dân có tàu thuyền nhỏ đa số có trình độ dân trí thấp, kinh tế rất khó khăn và đã lớn tuổi. Họ không thể lên bờ học nghề để làm công nhân, hay đi buôn bán nhỏ, kinh doanh… vì vậy nên có chính sách cho những hộ này vay ưu đãi số tiền lớn hơn 100 triệu đồng/hộ để họ nâng cấp phương tiện tiếp tục bám biển. Thành phố cũng cần lấy ý kiến ngư dân, nếu không dễ đẩy người dân vào chỗ đói nghèo và gây bất ổn xã hội’’ - bà Hạnh chia sẻ.