Hôm qua (9.1), NTNN đã trao đổi với PGS-TS Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam.
PGS-TS Nguyễn Minh Châu |
Năm Roi là một loại bưởi đặc sản nổi tiếng, vậy vì sao nông dân lại ồ ạt chặt bỏ, thưa ông?
- Nếu có tình trạng nông dân chặt bưởi Năm Roi có thể là do họ thấy bưởi da xanh có giá trị hơn từ 2,5-3 lần. Hiện giá bưởi Năm Roi chỉ khoảng 10.000 đồng/quả, song giá bưởi da xanh mua tại vườn đạt từ 25.000-30.000 đồng/quả. Chính vì thế, việc nông dân ồ ạt chặt bưởi Năm Roi, có thể là để họ thay giống, quay sang trồng da xanh.
Về năng suất, cũng như kỹ thuật trồng, trồng loại bưởi nào dễ hơn?
- Năm Roi và da xanh đều có năng suất tương tự như nhau. Song bưởi da xanh có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn, nhất là bệnh vàng lá. Tùy từng vùng, nếu bà con thấy có điều kiện thì có thể chuyển qua trồng bưởi da xanh, loại bưởi này cũng có thị trường tiêu thụ tốt.
Về kỹ thuật, không nhất thiết chúng ta phải yêu cầu bà con trồng bưởi Năm Roi theo tiêu chuẩn GlobalGAP (bộ tiêu chuẩn sản xuất tốt), vì chi phí cao, mà chỉ cần làm theo VietGAP (thực hành tốt) cũng được các nhà nhập khẩu chấp nhận.
Vậy theo ông, nông dân có nên chuyển đổi hết bưởi Năm Roi sang trồng da xanh không?
- Nói bưởi Năm Roi giá rẻ hơn da xanh không có nghĩa bưởi Năm Roi là đồ bỏ đi, trái lại Năm Roi cũng có vị trí khá tốt, bởi giá rẻ, nên phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của nhiều người dân, bởi không phải ai cũng có nhiều tiền để ăn bưởi da xanh.
Hơn nữa, về xuất khẩu bưởi Năm Roi cũng có lợi thế hơn do giá rẻ, nên các nhà nhập khẩu rất thích loại bưởi này, vì nếu nhập bưởi da xanh với giá quá đắt, họ không thu được nhiều lợi nhuận. Vì thế, theo tôi, bà con nông dân cần tự quyết định, cân nhắc kỹ trước khi quyết định chuyển đổi từ trồng bưởi Năm Roi sang bưởi da xanh, nhất là phải nghe ngóng, theo dõi về vấn đề thị trường.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Lê (thực hiện)