Xử lý triệt để hóa chất tồn lưu
Sau gần 2 năm chính thức triển khai, dự án đã hoàn thành việc thu thập và kiểm kê thông tin về các điểm/khu vực ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV POP. Trên cơ sở đó, dự án đã phân loại ưu tiên theo các mức độ tiềm ẩn rủi ro để lựa chọn ra 100 điểm có mức độ ưu tiên cao nhất. Với 100 điểm này, dự án tiến hành đánh giá rủi ro theo bộ công cụ “Hatfield Toolkit” áp dụng cho các khu vực ô nhiễm POP tồn lưu để lựa chọn các khu vực ô nhiễm nhất, đưa vào kế hoạch xử lý của dự án.
Nhiều loại hóa chất BVTV độc hại nhập lậu đã được ngăn chặn để bảo vệ sức khỏe người sử dụng (trong ảnh: Người dân huyện Mê Linh, Hà Nội phun thuốc BVTV cho hoa). |
Khi triển khai, dự án đã lựa chọn 5 điểm ô nhiễm để tiến hành điều tra chi tiết để xử lý và phục hồi môi trường bao gồm: Khu vực Núi Căng (Thái Nguyên), huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), khu vực Hòn Trơ, Mậu 2, Vực Rồng (Nghệ An). Ngoài ra, một số điểm nhỏ và lân cận khác cũng được đưa vào kế hoạch xử lý trong những năm tiếp theo.
Để xử lý được các điểm tồn lưu trên, dự án đã tập trung vào việc đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ địa phương. Dự án đã tổ chức 2 buổi tập huấn cho cán bộ địa phương tại 2 tỉnh Hà Tĩnh (gồm đại biểu từ 5 tỉnh lân cận) và Thái Nguyên (gồm các đại biểu từ 10 tỉnh lân cận). Các buổi tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng đánh giá các điểm ô nhiễm POP cho các cán bộ tại địa phương.
Từ 5 địa điểm được chọn, dự án đã phối hợp với tư vấn quốc tế để xây dựng kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường. Kết quả, xử lý triệt để phần thuốc và đất ô nhiễm nặng tại Thái Nguyên bằng phương pháp đốt trong lò nung xi măng. Sau đó, đã vận chuyển an toàn vào nhà máy xi măng tại Hòn Chông, Kiên Giang để tiêu hủy. Khoảng 25,5 tấn đất lẫn thuốc trừ sâu đã được đóng gói và vận chuyển vào Công ty Xi măng Holcim để xử lý.
Ngăn chặn nhiều hóa chất độc nhập lậu
Thành công nổi bật nhất của dự án trên là đã ngăn chặn được nhiều vụ vận chuyển hóa chất độc hại nhập lậu vào Việt Nam qua các tỉnh biên giới phía Bắc. Cụ thể, dự án đã phối hợp với Cục BVTV (Bộ NNPTNT) và Tổng cục Hải quan để lên kế hoạch tổ chức tập huấn cho hải quan, thúc đẩy hợp tác quốc tế với hải quan các nước láng giềng nhằm ngăn ngừa nhập lậu thuốc BVTV qua biên giới.
Đồng thời, dự án đã tiến hành đánh giá hiện trạng hóa chất bị bắt giữ tại biên giới; tình trạng xuống cấp trầm trọng của các kho chứa và nhu cầu cần thiết trong việc cải tạo, xây mới kho lưu chứa. Đã đưa ra kiến nghị và bản kế hoạch nhằm xây dựng và nâng cấp ít nhất 2 cơ sở lưu trữ hóa chất lậu (Lạng Sơn, Lào Cai) để giảm thiểu những tác động do 2 điểm lưu chứa này gây ra.
Sau 2 năm triển khai thực hiện, dự án cũng đã đóng góp nội dung để Chính phủ xây dựng Quyết định số 1946/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước; Chương trình Mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và Cải thiện môi trường. Đây là 2 trong số rất nhiều các chương trình mà dự án đã đóng góp để Chính phủ quản lý, xử lý bền vững hoá chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước.
Văn Ngọc