Ban nhạc tập hợp được các thành viên từ già đến trẻ.
Kaly Tran là trung tâm của ban nhạc, anh kết nối mọi người với nhau và khơi dậy tình yêu với âm nhạc Tây Nguyên.
Kaly Tran tự mình chế tác các nhạc cụ và dạy lại cho mọi người.
“Thời ông bà mình, người Ba Na thiếu ăn nhưng trong nhà ai cũng có đàn T'rưng, có một bộ chiêng, có k’long put... Ngày làng ăn lúa mới hay dịp lễ lạt, người làng chơi đàn và uống rượu cần đến nghiêng ngả. Nay về làng, nhạc cụ bị vứt chỏng chơ, cồng chiêng cũng chẳng thấy mấy ai đánh. Giới trẻ bị cuốn theo dòng nhạc thị trường. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến văn hóa của dân tộc. Mình lập ra nhóm nhạc để khơi dậy nhiệt huyết từ những ngày xưa” – Kaly chia sẻ.
Ngày nào không được chơi nhạc, anh A Bế, thành viên ban nhạc lại cảm thấy thiếu thiếu gì đó.
Các cô gái Ba Na múa xoang ngẫu hứng theo tiết tấu âm nhạc.
Cứ đều đặn như vậy, hàng đêm nhóm của Kaly đều trình diễn cho bà con xem. Dần dần mọi người bắt đầu thấy được đam mê và tâm huyết với nghệ thuật truyền thống dân tộc Ba Na. Hiện số lượng người tham gia tăng lên đến hơn 120 người. Những người nông dân trước đây chỉ biết chăm chỉ một nắng hai sương trên nương rẫy, giờ đây có thêm niềm vui mỗi tối là trình diễn những bài hát, điệu nhảy mộc mạc và rực lửa của người Ba Na.
Rất nhiều người trẻ nhờ Kaly Tran mà bắt đầu đam mê với âm nhạc truyền thống.