Theo bà Tú Anh, dùng bao nilon tránh thai từng xảy ra ở làng bản xa xôi ở Châu Phi. (Ảnh minh họa)
Bà Tú Anh cho biết, bà đã trực tiếp chia sẻ với bác sĩ điều trị cho hai bạn trẻ bị “tai nạn” khi dùng nilon để tránh thai khi quan hệ tình dục. Bác sĩ này cho biết, hai bạn trẻ này là sinh viên nên rất hiểu về cách tránh thai. Tuy nhiên họ xấu hổ, e ngại nên không dám đi mua bao cao su. Họ ngại bị chỉ trỏ, cho rằng mình hư hỏng, dâm đãng.
“Tôi đã nghe nhiều đến câu chuyện dùng túi nilon để tránh thai. Nhưng nó chỉ xảy ra ở một số làng thuộc Châu Phi xa xôi.
Ở nơi đó thanh niên không thể tiếp cận được các dịch vụ y tế, không mua được bao cao su. Trong khi đó tỷ lệ lây nhiễm HIV ở khu vực này lại cao. Do đó, thanh niên phải sử dụng những biện pháp bất đắc dĩ để tạm tránh lây nhiễm bệnh qua đường tình dục.
Nhưng thật sốc khi câu chuyện này lại xảy ra giữa thủ đô, giữa nơi không khó mua bao cao su và với những thanh niên có tri thức” – bà Tú Anh nhận định.
Trước đó, bác sĩ tại Bệnh viện Thận Hà Nội đã cho biết, hai sinh viên đã phải nhập viện vì dùng sử dụng túi nilon để tránh thai khi quan hệ tình dục lần đầu tiên. Cả hai đều bị đau đớn, bộ phận tình dục của cả hai bị trầy, xây xước nghiêm trọng, chảy máu do bị túi nilon cọ sát.
Theo bà Tú Anh, sự “ngây ngô” này phản ánh một khoảng trống rất lớn trong việc giáo dục sức khoẻ tình dục đối với thanh niên. Chúng ta chỉ truyền thông cho thanh thiếu niên biết về các phương tiện tránh thai, nguy cơ có thai ngoài ý muốn, lây truyền các bệnh qua đường tình dục cho thanh niên. Nhưng điều quan trọng là phải truyền thông cho thanh niên để có thể tự tin quan hệ tình dục và vượt qua những nỗi xấu hổ, sự sợ hãi bị chê cười, lên án để có thể tiếp cận với các phương pháp tránh thai, để bảo vệ mình và bạn tình.
“Nếu không cởi gỡ được những rào cản đó thì dù có kiến thức, được cung cấp dịch vụ thì các bạn trẻ cũng giống như đang sống giữa rừng núi của châu Phi xa xôi” – bà Tú Anh nói.
Hội nghị quốc gia về tình dục, sức khoẻ và xã hội lần thứ 3 do nhiều tổ chức làm việc về tình dục ở Việt Nam cùng tổ chức, diễn ra từ 28-30.11 tại Hà Nội. Hội nghị có chủ đò: Nạn nhân hay tội nhân: những rào cản văn hoá và thể chế trong việc nhìn nhận và giải quyết bạo lực tình dục tại Việt Nam”. Theo bà Astrid Bant- Trưởng đại diện Tổ chức dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam UNPFA nhấn mạnh: “Bạo lực tình dục không dễ xác định, đặc biệt bạo lực tình dục trong các mối quan hệ tình cảm gần gũi, thậm chí còn khó được báo cáo hơn vì nó được che dấu bởi các khuôn mẫu giới và văn hoá. Nam giới thường nghĩ rằng họ có quyền kiểm soát thân thể và tình dục của người phụ nữ”. Hội thảo đề cập đến nhiều vấn đề nhạy cảm gây tranh cãi như: ấu dâm, lão dâm, bạo dâm, khổ dâm, bạo lực tình dục với người đồng tính, quấy rối tình dục… |