Mặc dù lần đầu tiên vấn đề quấy rối tình dục được quy định cụ thể tại Bộ luật Lao động sửa đổi chính thức có hiệu lực từ tháng 5 tới đây, song trong bộ luật này cũng như các văn bản pháp luật hiện hành vẫn thiếu định nghĩa thế nào là hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, nơi công cộng và chế tài xử lý hành vi này.
Khó chứng minh
Mới đây, tại một buổi tọa đàm về nạn quấy rối tình dục công sở do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức với hơn 100 đối tượng đại diện cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và học sinh, sinh viên, hầu hết mọi người đều nhận thức rất mơ hồ về hành vi quấy rối tình dục.
Thậm chí, các đối tượng được hỏi còn cho rằng quấy rối tình dục là chỉ khi có xảy ra quan hệ tình dục, sờ soạng,… còn với những hành vi gọi điện, nhắn tin, gửi hình khiêu dâm lại chưa được coi là “quấy rối”.
Ảnh minh hoạ |
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Minh Thu - Giám đốc một tổ chức phi chính phủ của Thụy Điển tại Việt Nam - một người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giải quyết những vấn đề về bình đẳng giới thừa nhận, hành vi quấy rối tình dục được ví như “thủ phạm giấu mặt”.
Quấy rối tình dục là một hình thức quấy nhiễu hướng về giới tính của người có liên can, thể hiện ở hình thức có từ ngữ, không từ ngữ hay bằng cơ thể có mục đích hay có tác động làm tổn thương đến phẩm giá của một người hay tạo nên một môi trường mang nhiều dọa dẫm, thù địch, hạ thấp, lăng nhục, xúc phạm hay bối rối. Hành vi quấy rối tình dục để lại hậu quả nặng nề không chỉ cho nạn nhân mà cả xã hội... ”, bà Thu đánh giá.
Mặc dù Bộ luật Lao động mới được kỳ vọng là một bước tiến quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là sẽ bảo vệ phụ nữ khỏi quấy rối tình dục ở nơi công sở, công cộng nhưng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hoà- Đoàn Luật sư TP Hà Nội nếu không có định nghĩa rõ ràng về hành vi quấy rối tình dục một cách cụ thể thì khó mà thực thi được luật.
Trong Bộ luật Lao động mới có quy định “nghiêm cấm quấy rối tình dục công sở, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị quấy rối tình dục…”. Tuy nhiên, Luật lại chưa đưa ra được định nghĩa thế nào là quấy rối tình dục hay nói cách khác quy định này mang tính nửa vời.
Cụ thể, khi bắt gặp những hành vi khiếm nhã từ một đối tượng nào đó, người bị quấy rối tình dục cho rằng mình đã bị quấy rối nhưng đối tượng có hành vi này lại thừa nhận đó chỉ là hành động đùa cho vui. Vậy làm thế nào và dựa vào đâu để người bị quấy rối tình dục chứng minh là mình bị quấy rối không phải là chuyện dễ. Đặc biệt khi sự việc được đưa ra Tòa án giải quyết thì người bị quấy rối tình dục phải có cơ sở để chứng minh mình bị đối tượng thực hiện hành vi quấy rối…
Cũng theo luật sư Hòa, quấy rối tình dục không chỉ xảy ra tại cơ quan, nơi làm việc mà còn ở những hoàn cảnh khác nhau. Chẳng hạn, khi người lao động đang thực hiện nhiệm vụ ở bên ngoài bị đồng nghiệp quấy rối hoặc một cô thư ký theo sếp đi công tác, đi tiếp khách bị sếp hay khách có hành vi sàm sỡ, một cô gái đang đi trên xe buýt bị đối tượng nơi công cộng có hành vi khiếm nhã sẽ bị xử lý như thế nào cũng chưa được quy định rõ.
Bên cạnh đó, trong điều 8 của Bộ luật Lao động mới chỉ nêu các hành vi nghiêm cấm người sử dụng lao động như ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục… mà không hề có quy định ngược lại đối với người lao động. Do vậy, cần có quy định cụ thể và nghiêm khắc về vấn đề này, nhất là trường hợp người bị hại đang lệ thuộc về thể chất và cả tinh thần như bệnh nhân với bác sĩ, học sinh với thầy giáo, người giúp việc với ông chủ, bà chủ,... Ngay cả trong Bộ luật Hình sự hiện hành cũng chỉ quy định xử lý tội dâm ô đối với trẻ em (tại điều 116) mà chưa xem xét đến người bị hại là thành niên.
Cần có hành lang pháp lý
Hiện nay, ở các nước phương Tây quấy rối tình dục được coi là phân biệt đối xử và là hành vi trái luật. Tuy những quy định về quấy rối tình dục vẫn tuân theo những điều khoản trong Bộ luật Lao động của những nước này, nhưng để tránh “lọt tội”, họ đã quy định chặt chẽ hơn. Cụ thể, khi đối tượng có hành vi lạm dụng tình dục dưới hình thức xâm chiếm tình dục hay sử dụng bạo lực cơ thể với một người khác mà bị người đó từ chối thì hành vi này được quy vào tội quấy rối tình dục. Theo Luật Bảo vệ Người lao động ở Đức, quấy rối tình dục là “tất cả các hành động cố tình về tình dục tổn thương đến nhân phẩm của người lao động tại nơi làm việc”.
Việc định nghĩa thế nào là quấy rối tình dục về cơ bản được định nghĩa từ các phán quyết tương ứng của các tòa án lao động. Bên cạnh đó, các hành vi tình dục khác như các nỗ lực cơ thể mang tính tình dục, nhận xét có nội dung tình dục, cho xem và treo các hình ảnh khiêu dâm mà bị người có liên can từ chối,... đều là hành vi quấy rối tình dục
Để phòng chống và xóa bỏ quấy rối tình dục nơi công sở, tại Nhật Bản đã cho phát hành điều lệ tất cả các công sở phải có tài liệu hướng dẫn rõ ràng về việc phòng chống, báo cáo và xử lý trường hợp quấy rối. Tại Thái Lan, mỗi đồn công an có đặt một bàn giúp người dân có thể tố giác nạn quấy rối tình dục và lao động trẻ em.
Còn tại Philippines, mọi hành vi vi phạm sẽ bị phạt tù cao nhất là 6 tháng, bị phạt tiền 10.000-20.000 peso. Ngoài ra, cán bộ, công chức nhà nước sẽ bị bãi nhiệm, miễn nhiệm nếu vi phạm một trong những hành vi: động chạm vào một số bộ phận trên cơ thể của đối tượng; cưỡng hiếp; gợi ý dùng quan hệ tình dục để đổi lấy việc làm, thăng chức, đi nước ngoài, đi học hoặc nâng lương, cấp học bổng...
Theo đánh giá của luật sư Hòa, để có những cơ sở dữ liệu định lượng và căn cứ xây dựng được những văn bản quy phạm pháp luật phù hợp, các tổ chức xã hội cần có cuộc điều tra xác định về phạm vi và mức độ của quấy rối tình dục tại nơi làm việc, nơi công cộng.
Đặc biệt là những nhóm đối tượng có nguy cơ cao như lao động giúp việc gia đình, sinh viên, học sinh, cũng như một số ngành đặc thù dễ có khả năng xảy ra quấy rồi tình dục như y tế, giáo dục,... tạo ra những hành lang pháp lý, giúp các nạn nhân tố cáo đối tượng. Việc đưa điều khoản quấy rối tình dục vào hệ thống pháp luật là một bước tiến, song nếu những quy định này không được các cơ quan thực thi pháp luật hướng dẫn và tuyên truyền đến nhiều đối tượng thì xem ra vẫn khó có thể thực thi.