Dân Việt

Hé lộ cách loại bỏ vũ khí hạt nhân Triều Tiên

Phương Đăng 29/11/2016 19:30 GMT+7
Theo Wall Street Journal, Nhà Trắng đã nhấn mạnh với nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump rằng, Triều Tiên là "ưu tiên an ninh quốc gia hàng đầu" đối với chính quyền mới.

img

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trực tiếp xem và chỉ đạo một cuộc tập trận của quân đội Triều Tiên.

Không khó hiểu vì sao Washington xem Triều Tiên là mối đe dọa số 1. Chế độ Bình Nhưỡng ngày càng quyết liệt theo đuổi chương trình hạt nhân khi chỉ riêng trong năm 2016, nước này đã tiến hành tới 2 vụ thử hạt nhân thứ hai gây chấn động bất chấp sự lên án và phản đối của cộng đồng quốc tế. Chưa kể Bình Nhưỡng còn tin hành hàng loạt vụ thử tên lửa mới. 

Tại thời điểm này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un, vốn bị phương Tây xem là người khó lường, có khả năng ấn nút và phóng 3 loại tên lửa có khả năng tấn công 48 bang của Mỹ. Chúng bao gồm tên lửa Taepodong-2, tên lửa di động KN-08 và biến thể của KN-08 là  KN-14 được cho là có khả năng tấn công thủ đô Washington, D.C, theo nhà phân tích Richard Fisher của Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế. 

Ngoài ra, hiện tại các chuyên gia quân sự đều nhất trí rằng, Triều Tiên chưa đạt tới trình độ gắn đầu đạn hạt nhân vào bệ phóng nhưng họ cũng cảnh báo, nhiều nhất chỉ khoảng 4 năm nữa, Bình Nhưỡng hoàn toàn có khả năng này. Hiện Triều Tiên được cho là đã sở hữu đầu đạn hạt nhân phù hợp với tên lửa tầm trung Nodong có tầm bắn hơn nghìn km. 

img

Tên lửa Triều Tiên trong một duyệt binh ở Bình Nhưỡng.

Theo đó, hầu như mọi nhà phân tích Mỹ đều nhất trí rằng, những gì ông Trump nên làm sau khi nhậm chức để đối phó với mối đe dọa an ninh số 1 của Mỹ là: Từ bỏ kế hoạch đối đầu với Trung Quốc về thương mại để nhận lại sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong việc "phi hạt nhân hóa" Triều Tiên. 

Tuy nhiên, trong một bài bình luận đăng trên tạp chí Forbes, chuyên gia phân tích châu Á và Trung Quốc, Gordon G. Chang bình luận, có thể biện pháp ngược lại mới hiệu quả. Theo đó, đối đầu với Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại mới là cách gây sức ép với Bắc Kinh và có được sự hợp tác của nước này đối với vấn đề Triều Tiên.  

Theo ông  Gordon G. Chang, việc Triều Tiên, một nước được cho là nghèo nhất thế giới lại có khả năng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa bất chấp các áp lực và biện pháp trừng phạt quốc tế là do chính quyền Tổng thống Obama và Tổng thống Bush trước đó đã theo đuổi các chính sách không hiệu quả.

Chính quyền Obama đã thực hiện chính sách "kiên nhẫn chiến lược", không đàm phán, thương lượng với Triều Tiên cho tới khi nước này chịu cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân đồng thời nỗ lực thuyết phục Bắc Kinh gây áp lực với Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, chính quyền Bush thậm chí đánh giá vai trò của Trung Quốc cao hơn, nên đã để Bắc Kinh giữ vị trí dẫn đầu trong các cuộc đàm phán đa phương (còn được gọi là Đàm phán 6 bên) về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, những nỗ lực trên đều đã chứng tỏ thất bại trong việc ngăn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Hơn nữa, việc này còn giúp Triều Tiên có được thứ họ cần để theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân, đó là thời gian. 

Trong suốt nhiều thập kỷ, trong khi người Mỹ đã tìm kiếm sự hợp tác từ Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên nhưng Bắc Kinh được cho là đã chơi một trò chơi 2 mang. 

Theo ông David Albright của Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, một mặt Bắc Kinh vẫn ủng hộ nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân Triều Tiên, mặc khác Bắc Kinh vẫn duy trì dòng chảy các mặt hàng từ Trung Quốc cần thiết cho chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng, như bình đựng uranium hexafluoride, máy bơm chân không, và các loại van. Đó chưa phải là tất cả. 

Dù ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhắm vào Triều Tiên hồi tháng 3, Bắc Kinh vẫn cho phép các tàu bị liệt vào danh sách đen của Triều Tiên tới thăm các cảng của Trung Quốc. Đặc biệt, Bắc Kinh còn sửa đổi các quy tắc thương mại với Triều Tiên trong 2 lĩnh vực quan trọng là than đá và nhiên liệu máy bay phản lực. Hiện thương mại Trung - Triều đã trở lại mốc ổn định trước tháng 3. 

Khi ông Trump sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1.2017 tới, chính quyền mới chắc chắn sẽ đưa ra một chính sách Triều Tiên mới, song Trung Quốc vẫn được xem là chìa khóa cho một giải pháp. 

Ông Gordon G. Chang nhận định, vấn đề Triều Tiên sẽ khó lòng được giải quyết nếu Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách cũ, cố thuyết phục Trung Quốc đứng về phía mình, gây áp lực với Triều Tiên. Ông Gordon lập luận, vấn đề Triều Tiên sẽ chỉ được giải quyết khi Bắc Kinh nhận thấy việc hỗ trợ Triều Tiên phải trả bằng một cái giá quá đắt. Khi đó, Bắc Kinh sẽ thực sự quay lưng lại với Bình Nhưỡng.

Muốn như vậy, chính quyền Trump có thể quyết liệt theo đuổi chính sách đối đầu thương mại với Trung Quốc, chẳng hạn chủ trương loại bỏ các ngân hàng Trung Quốc khỏi hệ thống tài chính toàn cầu; xử phạt những công ty Trung Quốc có quan hệ làm ăn với Triều Tiên, đánh mức thuế cao 45% đối với hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc Trung Quốc, chấm dứt Hiệp định đầu tư song phương và đối xử khắt khe với các doanh nghiệp Trung Quốc. Cho đến nay, Bắc kinh vẫn chưa phải nếm trải bất cứ áp lực nào như vậy.

Trên thực tế, nếu Mỹ gây áp lực về kinh tế đối với Trung Quốc, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không ngồi yên mà sẽ tìm cách trả đũa. Tuy nhiên, sau tất cả, năm ngoái Trung Quốc đã đạt thặng dư thương mại với Mỹ là 334,1 tỷ USD. Mà các nước xuất siêu như Trung Quốc sẽ dễ bị tổn tương trong các cuộc "chiến tranh thương mại". Hơn nữa, nền kinh tế Trung Quốc cũng phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ.