Dân Việt

Người đàn ông quyền lực khiến Chân Tử Đan, Lý Liên Kiệt, Ngô Kinh thành siêu sao

Trần Tuấn ( Tổng hợp) 09/12/2016 16:25 GMT+7
Đây chính là người phát hiện và bồi dưỡng tài năng cho 3 cao thủ võ thuật hàng đầu của điện ảnh Trung Quốc và thế giới.

Trong làng võ thuật Trung Quốc, võ sư Ngô Bân được mệnh danh là “cha đẻ của Wushu hiện đại” và cũng sư phụ của các ngôi sao võ thuật như: Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, Ngô Kinh… Dòng bài viết về Ngô Bân sẽ giúp độc giả hiểu hơn về người đàn ông quyền lực đứng sau sự nổi tiếng của những siêu sao võ thuật hàng đầu Trung Hoa hiện giờ.

Có thể nói, võ sư Ngô Bân chính là người nắm được những điểm yếu, điểm mạnh và thậm chí là những thói hư tật xấu của Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, Ngô Kinh... Cũng chính ông là người đã góp phần tạo nên thành công cho những siêu sao võ thuật này nổi tiếng khắp thế giới.

Lý Liên Kiệt: Hạt  giống tốt không thể bỏ phí

Trở thành đệ tử của Ngô Bân từ năm 8 tuổi, năm 1971, Lý Liên Kiệt trở thành học viên của trường đào tạo võ thuật Thập Sát Hải do Ngô Bân sáng lập. Võ sư 89 tuổi kể lại, một lần lên lớp, Ngô Bân phát hiện võ sinh vừa nhập môn Lý Liên Kiệt vắng mặt, không biết bị đau ốm hay vì lý do gì, ông phải tranh thủ thời gian nghỉ để tới nhà tìm hiểu nguyên do. 

Tới đó mới biết, mẹ của Lý Liên Kiệt sợ con trai mải mê với võ thuật mà quên việc học văn hoá, bà muốn cho con ra khỏi trường võ thuật. Cha của Lý Liên Kiệt mất từ năm anh lên 2 tuổi, một mình mẹ Lý Liên Kiệt phải lo kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình có cha mẹ già và 5 đứa con thơ. Bà muốn đứa con trai út học hành đàng hoàng để sau này tìm được một công việc ổn định và kiếm tiền nuôi gia đình. 

Võ sư Ngô Bân phải nhiều lần tới nhà để thuyết phục, bà Lý mới đồng ý để con trai tiếp tục theo ông học võ, Ngô Bân nói với bà Lý rằng, con trai bà là "hạt giống tốt nhất định không thể bỏ phí". 

img

Võ sư Ngô Bân (trái) và học trò Lý Liên Kiệt

Sau đó, Lý đã thắng 1.000 võ sinh theo học võ thuật (wushu) vượt qua thử thách, được võ sư Ngô Bân trực tiếp đào tạo. Lý Liên Kiệt cũng là người nhỏ tuổi nhất trong số 20 võ sinh được chọn.

Những năm tháng tập võ thuật sau đó là quãng thời gian khó quên với Lý Liên Kiệt bởi cả lớp phải tập trong tiết trời mùa đông khắc nghiệt ở Bắc Kinh. Nếu động tác không dứt khoát và không tạo ra âm thanh vút vút, các võ sinh bị thầy Ngô mắng té tát. Còn nếu phát ra được tiếng động, cả cơ thể đau đớn tột cùng.

Vì điều kiện luyện tập quá khắc nghiệt, sau 3 tháng, từ 20 học viên chỉ còn lại 4 người. Riêng Lý Liên Kiệt từng muốn bỏ cuộc, nhưng nhờ đam mê và sự động viên của thầy, Lý Liên Kiệt vẫn kiên trì.

Một ngày Lý Liên Kiệt phải học 8 tiếng, một tuần 6 buổi và chỉ được về nhà vào tối thứ Bảy rồi trở lại trường vào tối Chủ Nhật. Điều duy nhất mà Lý có thể diễn tả về việc tập luyện của anh là “cay đắng”, gần như quá sức chịu đựng của một đứa trẻ.

Ngay cả khi gặp tai nạn, anh cũng không được phép nghỉ tập. “Chớ dại mà kêu ca khi chấn thương vì thầy Ngô sẽ bắt người đó phải tập thêm bài tập mới khó hơn để không còn dám hé răng kêu nữa. Có lần một võ sinh bị đau tay, sư phụ yêu cầu cậu tập chân và phải thi triển 2.000 cú đá hoặc 5.000 thế tấn", Lý Liên Kiệt kể lại.

Tài tử 53 tuổi từng chia sẻ rằng, chính sự khắt khe đến khắc nghiệt của sư phụ Ngô Bân đã tạo nên con người mạnh mẽ của anh ngày hôm nay.

Trong mắt sư phụ Ngô Bân, Lý Liên Kiệt ngày ấy là một cậu học trò hiếu động.

Vị võ sư đáng kính tiết lộ, một lần đám học trò tinh nghịch của ông lén vào nhà ăn lấy trộm thức ăn vì đói “Có lần bọn trẻ ăn chưa đủ no nên rủ nhau lấy trộm đồ ăn. Những đứa liều lĩnh nhất nhận trách nhiệm đi trộm.

Lý Liên Kiệt nhỏ nhất và nhát nên không dám, nhưng bao nhiêu đồ ăn mang về anh chàng cũng ăn bằng sạch. Hôm sau, tôi phát hiện và bắt chịu phạt, Lý Liên Kiệt nhất quyết không chịu, anh chàng khẳng định mình không ăn trộm mà chỉ ăn thôi nên không có tội”, võ sư Ngô Bân cười kể lại.

Chân Tử Đan từng học võ với lớp nữ sinh

Chân Tử Đan được mẹ là cao thủ Thái cực - Mạch Bảo Thuyền gửi gắm cho võ sư Ngô Bân năm 1978, khi vừa trở về từ Mỹ với hy vọng con trai sẽ học được những tinh túy của võ học truyền thống Trung Quốc.

"Năm đó, lần đầu tiên nhìn thấy Chân Tử Đan, tôi nghĩ rằng thể chất của cậu ấy khá tốt, thích hợp với việc học võ. Tuy nhiên, Tử Đan lại có nền tảng võ thuật tương đối kém, bởi lúc đó cậu ta mới bắt đầu tiếp xúc với võ thuật, cơ thể không linh hoạt. Tử Đan là một người chăm chỉ, chịu khó học hỏi sư phụ và các huynh đệ. Thông thường, khi mọi người đã rời lớp luyện võ, một mình Chân Tử Đan vẫn ở lại kiên trì luyện tập", võ sư Ngô Bân kể lại.

Tuy vậy, trái với một Lý Liên Kiệt hiền lành, Chân Tử Đan có phần ngang ngạnh hơn, nhiều lần đấu khẩu, cãi ngang sư phụ. Có lần, Ngô Bân không thể nhịn được nữa và đuổi Tử Đan ra khỏi lớp. Thời điểm đó, Chân Tử Đan là võ sinh ngoại quốc duy nhất, tự nhận mình là người Mỹ và cao hơn người khác một bậc, ngông nghênh và không coi ai ra gì.

Do nhiều thời gian sống và học võ ở Mỹ nên võ thuật của Chân Tử Đan khá cứng nhắc trong khi võ thuật truyền thống Trung Quốc lại đề cao sự mềm dẻo, nhẹ nhàng. Ngô sư phụ mới nghĩ ra cách để Chân Tử Đan học cùng với các học viên nữ để rèn luyện sự uyển chuyển trong các đòn thế. Và tránh để Tử Đan giảm ý chí, ông đã phải nói lừa rằng, vào nhóm đó là để học luyện chân.

img

Chân Tử Đan (trái) là một trong những học trò ưu tú nhất của võ sư Ngô Bân

Về sau, chính những đòn thế của võ thuật truyền thống Trung Quốc đã góp phần không nhỏ trong việc gây dựng tên tuổi của Chân Tử Đan qua các vai diễn trên màn ảnh, đỉnh cao là Series phim điện ảnh Diệp Vấn. Trong phim, anh đã sử dụng Vịnh Xuân Quyền một cách đầy biến hóa kết hợp với cách ra đòn cực nhanh nhẹn và mạnh mẽ.

Nhiều người cho rằng, nếu không có khoảng thời gian được đào tạo bởi sư phụ Ngô Bân thì võ thuật của Chân Tử Đan khó có được sự đa dạng và đạt được cảnh giới cao như hiện tại.

Ngô Kinh suýt không được nhận vì mất nửa ngón tay

13 tuổi, Ngô Kinh được đưa đến học Wushu ở trường Thập Sát Hải và gặp HLV trưởng của trường là Ngô Bân.

Khi mới đến Thập Sát Hải, Ngô Bân mặc dù rất hài lòng với thân hình, tư chất của Ngô Kinh nhưng nhìn vào ngón cái tay trái mất nửa đốt của anh đành phải ngậm ngùi lắc đầu.

“Trong “Bá Vương Biệt Cơ”, Trình Diệp Y trời sinh có 6 ngón, không được cho lên vũ đài. Ngô Kinh ngón cái tay trái lại thiếu mất nửa mẩu. Lực ở ngón cái thực chất là mấu chốt, học võ chính là sử dụng nó để làm vũ khí”, ông tâm sự.

Với người học võ, lực ở ngón cái là điểm mấu chốt, các cao thủ hơn thua nhau thực chất là ở nửa ngón này. Đó là vũ khí mạnh nhất và cần thiết của mỗi người học võ.

img

Ngô Kinh (phải) cũng là một trong những học trò thành danh của võ sư Ngô Bân

May mắn, trong thời khắc quyết định, đệ tử ruột của Ngô Bân là Lý Kim Hằng đã nói đỡ “đứa nhỏ này không tồi, trước tiên cứ giữ lại” và Ngô Kinh được nhận vào học.

Sau đó, để bù đắp lại những thiếu sót vốn có của bản thân, Ngô Kinh còn chăm chỉ thức khuya dậy sớm đứng tấn và rèn luyện sức bền. Nhờ thế mà võ công tiến triển rất nhanh.

Chính vì thế, sư phụ Ngô Bân đã rất tâm đắc với anh và nhận định đây sẽ là người kế thừa hoàn hảo cho võ công cũng như bản lĩnh của Lý Liên Kiệt.

Hiện nay, Ngô Kinh không chỉ là một ngôi sao trên màn ảnh mà còn được xếp hạng thứ 7 trong 10 cao thủ có khả năng thực chiến tốt nhất.

Nếu không có sự đặc cách của sư phụ Ngô Bân ngày nào thì có lẽ tài tử họ Ngô khó có được vị trí như ngày hôm nay.

Những pha hành động võ thuật đẹp mắt nhất của Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, Ngô Kinh và Thành Long - những học trò của võ sư Ngô Bân: