Một Đại sứ quán Mỹ giả mạo hoạt động ngang nhiên ở thủ đô Ghana suốt 10 năm mà không ai hay biết , nay mới vừa bị đóng cửa.
Trong một báo cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, mặc dù giả mạo, "Đại sứ quán Mỹ" tại Accra, thủ đô của Ghana đã thực sự cung cấp visa Mỹ, hồ sơ ngân hàng, hồ sơ giáo dục, giấy khai sinh cho nhiều đối tượng trong suốt 10 năm và tất nhiên tất cả hồ sơ, giấy tờ này đều là giả.
"Trong khoảng 1 thập kỷ, nó (Đại sứ quán Mỹ giả mạo) đã hoạt động mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Những tên tội phạm điều hành hoạt động của tổ chức này có thể đã đút lót các quan chức tham nhũng để không bị dòm ngó cũng như để làm giả giấy tờ", báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích.
Theo Sputnik News, Đại sứ quán Mỹ giả mạo tọa lạc trong một tòa nhà 2 tầng, treo một lá cờ Mỹ vào mỗi sáng thứ Hai, thứ Ba và thứ Sáu. Bên trong tòa nhà treo ảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Đại sứ quán giả còn ngang nhiên quảng cáo các dịch vụ của họ bàng các biển quảng cáo, tờ rơi tới các khách hàng mục tiêu ở Ghana.
Những kẻ điều hành hoạt động của Đại sứ quán Mỹ giả mạo còn lái xe đến những vùng xa xôi nhất của Tây Phi để tìm kiếm khách hàng. Chúng sẽ đưa đón khách hàng đến Accra, và thuê phòng khách sạn gần đó cho họ. Sau đó, chúng đưa đón khách hàng ra vào Đại sứ quán giả mạo.
Các nạn nhân của chúng sẽ được gặp một "viên chức lãnh sự" là công dân Thổ Nhĩ Kỳ, nói được cả tiếng Anh và Hà Lan. Đại sứ quán giả này chỉ được phát giác nhờ một người cung cấp thông tin trong một cuộc điều tra gian lận khác.
Những kẻ tình nghi đã bị bắt giữ trong một cuộc đột kích vàoĐại sứ quán giả. Các quan chức thực thi pháp luật Ghana đã phát hiện 150 hộ chiếu từ 10 quốc gia; visa hợp pháp và giả từ Mỹ, khu vực Schengen, Ấn Độ và Nam Phi; và giấy tờ tùy thân giả mạo bên trong tòa nhà. Hiện vẫn chưa thống kê được bao nhiêu người đã đến Mỹ thông qua giấy tờ của Đại sứ quán giả và làm thế nào họ có thể qua mặt được hệ thống an ninh với các loại giấy tờ giả mạo đó.
Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ thực sự tọa lạc tại một trong những khu phố sang trọng nhất ở Accra.