Ông Kim Jong-il rất ít khi công du nước ngoài. Chuyến đi Nga lần trước của ông cách đây cũng đã 9 năm và trong thời gian một năm rưỡi qua, ông Kim Jong-il tới thăm Trung Quốc 3 lần.
Nga là 1 trong số 6 bên tham gia khuôn khổ đối thoại ở Bắc Kinh về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đã bị ngừng trệ cũng khá lâu sau khi diễn ra được vài vòng. Không chỉ việc giải quyết vấn đề này đang bị bế tắc, mà quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc vẫn khi rất găng lúc lại có biểu hiện dịu như từ trước tới nay.
Với chuyến thăm hiếm hoi này, ông Kim Jong-il muốn tranh thủ Nga cả trên phương diện đồng minh trong vấn đề hạt nhân lẫn đối tác trong hợp tác kinh tế, thương mại và viện trợ. Cho tới nay, chỉ có Trung Quốc mới thực sự là đồng minh và chỗ dựa cho Triều Tiên.
Đương nhiên, ưu tiên của Triều Tiên hiện tại phải là đồng minh trước để bảo vệ chính mình trước những biện pháp thù địch và gây áp lực từ phía Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và thậm chí cả EU cũng như Liên Hợp Quốc, nhưng sau đó cấp thiết không kém là quan hệ đối tác với Trung Quốc và Nga để giải quyết những vấn đề khó khăn hiện tại về kinh tế, xã hội ở trong nước.
Lợi ích của Triều Tiên trong việc phát triển quan hệ với Nga chắc chắn không phải tạo dựng đối trọng với Trung Quốc, mà bổ sung cho quan hệ của Triều Tiên với Trung Quốc. Nga coi đó là cơ hội để tăng cường vai trò và vị thế ở cả khu vực chứ không trong những chuyện chỉ có liên quan đến Triều Tiên. Tuy có phần khác, nhưng cũng là một kiểu đi từ đồng minh đến đối tác.
Triệu Anh Túc