Dân Việt

Nghỉ học để... “ăn chân gà”

22/08/2011 07:56 GMT+7
(Dân Việt) - “Ăn chân gà” là tập tục lâu đời của người Dao. Con trai, con gái đến tuổi 13 - 14 là cha mẹ đã lo chuyện dựng vợ gả chồng cho con. Hai ông bố gặp nhau, nói chuyện với nhau là nhất trí làm lễ “ăn chân gà”.

Dù trường lớp đã được đầu tư khang trang, song việc vận động các em đến lớp của thầy cô Trường THCS Động Quan (huyện Lục Yên, Yên Bái) vẫn rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân là các em nghỉ học để cưới chồng. Năm học 2011-2012 tuy đã vào học được một tuần, nhưng nhiều học sinh Trường THCS Động Quan vẫn chưa ra lớp, trong đó chủ yếu là các em người Dao.

Trường lớp vắng trò

Trường THCS Động Quan có 11 phòng học xây dựng kiên cố, có khu bán trú dân nuôi với 8 phòng có thể tiếp nhận 64 học sinh, đủ điều kiện phục vụ cho việc học tập, ăn ở của các em. Hàng tháng, các em thuộc diện hộ nghèo được trợ cấp 140.000 đồng/em. Đầu năm học, mỗi em được hỗ trợ 120.000 đồng để mua sách vở... Em Hoàng Thị Bích - học sinh lớp 8C, tâm sự: "Đến ở khu bán trú, bọn em được hỗ trợ tiền ăn, chỗ ở khang trang, an toàn, thích lắm".

img
Kẹn năm nay mới 13 tuổi nhưng đã “ăn chân gà”.

Dù được quan tâm như vậy, nhưng tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn nhiều. Năm học 2011-2012, nhà trường tuyển sinh 395 học sinh, đến thời điểm này chỉ có 376 em đến lớp. Thầy Phùng Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng, cho biết: "Việc vận động học sinh ra lớp gặp rất nhiều khó khăn. Năm nào cũng vậy, nhiều em sau khai giảng hàng tuần mới đến lớp, nhiều em bỏ học hẳn. Chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương đến từng nhà vận động, nhưng tỷ lệ các em ra lớp vẫn rất thấp".

Nghỉ học để “ăn chân gà”

Để tìm nguyên nhân, chúng tôi theo chân anh Lý Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Động Quan và thầy Phùng Trung Kiên đến thôn 11. Từ Quốc lộ 70, vượt 8-9km đường đất lầy lội, chúng tôi đến thôn 11 khi mặt trời đã ở trên đỉnh đầu. Thôn chỉ có vài nóc nhà sàn lưa thưa nằm nép mình bên sườn đồi.

Chúng tôi đến nhà em Nguyễn Thị Inh nhưng chỉ gặp anh Nguyễn Văn Thuộc - anh trai Inh ở nhà. Hỏi tại sao Inh không ra lớp, anh cho biết: "Đường đi xa và khó khăn lắm, nhà lại nghèo nên không có điều kiện cho chúng nó đi học. Mà con Inh đã lớn rồi, nó cũng đã “ăn chân gà”. Chắc là không đi học nữa đâu".

Nhiều trường hợp lén lút cưới mà chính quyền không biết vì địa bàn hẻo lánh. Tới đây, chúng tôi sẽ đưa tiêu chí không bình xét hộ nghèo cho những hộ có người tảo hôn.

“Ăn chân gà” là tập tục lâu đời của người Dao. Con trai, con gái đến tuổi 13 - 14 là cha mẹ đã lo chuyện dựng vợ gả chồng cho con. Chuyện gả con như một sự ngẫu nhiên, hai ông bố gặp nhau, nói chuyện với nhau là nhất trí làm lễ “ăn chân gà”. “Ăn chân gà” xong là 2 bên đã đồng ý gả con cho nhau. Hai đứa có thể cưới bất cứ khi nào.

Liền kề nhà Inh là nhà ông Hoàng Văn Lường. Ông có 8 con. Gia đình ông được coi là khá giả nhất thôn, nhưng chưa có ai học hết cấp II. Nhìn vẻ thơ ngây, non nớt của cô bé Hoàng Thị Kẹn, chúng tôi sửng sốt khi nghe tin em cũng vừa “ăn chân gà”. Kẹn năm nay 13 tuổi, em vừa học hết tiểu học.

"Nó lớn rồi, không đi trọ học ở xa được. Có người đến “ăn chân gà” rồi, chưa biết nhà trai sẽ đòi cưới nó khi nào"- ông Lường bảo.

Ngoài lý do nghỉ học để cưới, lý do nữa, muốn đến trường, các em phải đi 8-9km đường rừng, cách trở sông suối. Ông Đỗ Xuân Tiến - Chủ tịch UBND xã Động Quan cho biết: Do cuộc sống của người Dao rất khó khăn, trình độ dân trí thấp, nên việc vận động học sinh ra lớp vô cùng khó khăn.