Chị Đậu Thị Phương (xóm 5, xã Nghi Lâm), người vừa đi điều trị ở bệnh viện về, kể: “Đầu tháng Tám, tui và con gái vào rừng khai thác nhựa thông. Không hiểu sao khi về nhà thấy tay chân sưng húp, các khớp đau nhức, rồi cảm giác tức thở không chịu được, sang ngày thứ hai thì chân tay bầm tím, cương mủ trong các đầu ngón chân, ngón tay.
Hai mẹ con tui điều trị ở bệnh viện hơn 20 ngày nay mà vẫn chưa hết. Cháu nó được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông xác định là viêm xương. Lo lắm các chú ạ, có lẽ phải đưa cháu đi Hà Nội điều trị".
Người dân vì mưu sinh vẫn vào rừng vơ lá thông, sau đó nhiễm bệnh. |
Không chỉ mẹ con chị Hà mà hàng chục hộ dân ở 2 xóm 4 và 5 vào rừng thông lấy nhựa và cào lá thông về trồng hành tăm cũng bị triệu chứng bệnh như vậy. Bà Nguyễn Thị Xoan - cán bộ y tế xã Diễn Lâm cho biết: “Hơn hai tuần nay đã có 50 người dân ở hai xóm được tôi trực tiếp điều trị về căn bệnh này. Ngoài ra còn có hàng chục người phải đi bệnh viện huyện, tỉnh. Tất cả họ đều nói là từ rừng thông về, bị nhiễm bệnh với các triệu chứng tay, chân sưng húp, đau nhừ các khớp xương và cảm giác tức ngực".
Theo người dân xã Diễn Lâm, cách đây hai tháng, dịch sâu róm hoành hành nên Ban quản lý rừng phòng hộ thuê người phun thuốc của Trung Quốc để diệt sâu róm. Hầu hết người dân xóm 4 và 5 đều sống dựa vào cây thông, ký hợp đồng để bảo vệ và khai thác nhựa thông nên hộ gia đình nào cũng có người bị nhiễm bệnh.
Anh Trần Văn Vỹ ở xóm 5, cho biết: “Tôi là một người đi phun thuốc diệt sâu róm, phun hôm nay là ngày mai sâu chết dày cả một lớp. Chân tay tôi giờ cũng đang bị đau nhức trong tận các khớp xương, sưng phù đầu ngón chân và tay.
Điều làm người dân nơi đây lo lắng nữa là một lượng rất lớn thuốc trừ sâu được phun trên những đồi thông, khi trời mưa, lượng thuốc này sẽ ngấm vào đất, theo mạch nước chảy vào ao, giếng nước uống, nước sinh hoạt của hàng trăm hộ.
Anh Đinh Lực ở xóm 4 bức xúc: "Thuốc diệt sâu róm này cực độc, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến hàng trăm hộ dân chúng tôi và hậu hoạ sẽ khó lường khi uống phải nước nhiễm độc”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Tý - Chủ tịch xã Nghi Lâm cho biết: “Toàn xã có khoảng 700ha rừng thông, hơn hai tháng trước thì lâm trường có phun thuốc diệt sâu róm. Đến nay thì nhiều người dân vào rừng cào lá, kiếm củi thông thì bị phát bệnh. Chúng tôi đang nghi ngờ nguyên nhân liệu có phải do loại thuốc diệt sâu có độc tố hay là lông sâu róm sau khi chết gây bệnh cho người dân tiếp xúc".
Tiến Dũng