Virus có thể sống 3 tháng
Bệnh TCM là căn bệnh do virus EV71 gây ra. Loại virus gây bệnh này có thể cư trú quanh đồ đạc, bàn tay người lớn và xâm nhập vào cơ thể trẻ qua đường tiêu hóa. Khi trẻ nhiễm bệnh, virus có trong nước bọt của trẻ. Virus này dễ dàng lây lan cho người khác thông qua ho hoặc hắt hơi, dịch tiết mũi họng. Đáng nói, nếu không có cách sát khuẩn, kể cả khi trẻ đã khỏi bệnh vẫn có thể mang loại virus này đến 3 tháng sau.
Bệnh nhi tay chân miệng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng I (TP.HCM). |
Hiện nay, các đối tượng mắc TCM chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi do sức đề kháng yếu. Do đó, nếu vệ sinh không sạch sẽ, trẻ hoàn toàn có thể lây bệnh ngay cả khi chỉ tiếp xúc với những dịch tiết mũi họng như ho, hắt hơi. Trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh TCM cao khi trực tiếp tiếp xúc với các vật dụng như đồ chơi, vật dụng trong nhà hoặc ngồi lê la xuống đất, mút tay.
Một cơ chế lây lan khác khiến bệnh TCM bùng phát đó chính là tình trạng ô nhiễm phân của trẻ mắc bệnh. Khi trẻ đi ngoài, vật dụng của trẻ như quần, áo, khăn... nếu không được làm sạch và khử khuẩn sẽ làm ô nhiễm nguồn nước trong khu vực xung quanh, giúp virus phát triển và lây lan.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, bệnh TCM không chỉ lây lan qua đường tiêu hoá mà còn lây lan qua cả đường hô hấp và biện pháp tiếp xúc trực tiếp. Cơ chế lây lan rộng, cộng với đối tượng truyền bệnh đa dạng, không chỉ trẻ mà cả người lớn khiến cho bệnh lây lan nhanh và nhiều ca không liên quan với nhau về mặt dịch tễ học. Tình hình dịch tễ của mỗi bệnh nhân cũng khác nhau.
Cần thực hiện sát khuẩn
Hiện nay, các nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế đều chỉ ra rằng: Bệnh TCM chưa có vaccin phòng bệnh. Do đó, ngoài việc áp dụng các biện pháp dự phòng như rửa tay, vệ sinh môi trường sống, chúng ta vẫn chưa có phương án nào khả quan hơn để chặn đứng dịch bệnh nguy hiểm này.
Số liệu thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, có tới 80% số bệnh nhân mắc bệnh từ trong cộng đồng. Do vậy, việc tuyên truyền để nâng cao ý thức của cha mẹ trong việc phòng bệnh là rất cần thiết. Nếu trong nhà có trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần thực hiện cách ly, đeo khẩu trang cho trẻ khi trẻ tiếp xúc với người khác. Phân và các chất thải của trẻ cần phải được khử khuẩn bằng cloramin B. Cả quần áo, chăn màn, dụng cụ của bệnh nhân cũng phải được khử khuẩn bằng đun sôi, ngâm dung dịch cloramin B 2%. Thực hiện cách ly trẻ, hạn chế cho trẻ đến những nơi đông người, không cho trẻ đi học hoặc đi bơi.
Vì đường lây lan của bệnh là rộng, không chỉ qua tiêu hoá mà qua cả đường hô hấp, do đó không chỉ trẻ mà ngay cả người lớn cũng có thể là vật trung gian mang virus TCM. Do đó, người lớn cũng cần thực hành vệ sinh cá nhân, đặc biệt là rửa tay bằng xà phòng.
Cách phòng bệnh hiện nay vẫn được khuyến cáo là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, không cho trẻ mút tay, ngậm đồ vật, đồ chơi, mặt bàn, mặt ghế, sàn nhà. Bên cạnh đó, gia đình các cháu cũng nên thường xuyên lau sàn nhà, vật dụng bằng các thuốc sát khuẩn hoặc cloramin B.
Các sở y tế địa phương cũng cần đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền và dự phòng trong nhà trường, nhất là khi mùa tựu trường đã bắt đầu. Các bé cần được vệ sinh răng miệng, rửa tay... Còn nhân viên của trường cũng phải rửa tay trước và sau khi nấu ăn, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh, đặc biệt là mỗi lần thay tã cho trẻ; ăn chín, uống sôi. Đặc biệt, thực hiện nghiêm việc vệ sinh hàng ngày với các dụng cụ học tập, đồ chơi và các dụng cụ khác bằng cloramin B 2%.
PGS - TS Nguyễn Trần Hiển