Dân Việt

Nâng cao chất lượng xây dựng NTM: Nhiều tiêu chí cao hơn mặt bằng chung cả nước

Hồ Văn 09/12/2016 13:45 GMT+7
Mới đây, TP.HCM đã triển khai đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020. Theo đề án này, việc xây dựng NTM phải gắn với tái cơ cấu nông nghiệp cấp huyện, cấp vùng và cấp thành phố, phù hợp với đặc điểm tự nhiên và tập quán sinh hoạt từng xã, huyện. “Một điều cần chú ý khi xây dựng NTM phải gắn với quy hoạch và định hướng phát triển lâu dài của thành phố” - ông Lê Thanh Liêm- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Để thực hiện đề án, UBND TP.HCM đã ban hành bộ tiêu chí về NTM theo đặc thù vùng nông thôn TP.HCM giai đoạn 2016-2020. Đáng chú ý, có nhiều tiêu chí được xây dựng cao hơn chỉ tiêu chung của cả nước như: Về thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 phải đạt mức 63 triệu đồng/người (cao hơn so với chỉ tiêu chung cả nước là 45 triệu đồng); tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo phải đạt 80% (chỉ tiêu chung là 40%); tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm phải đạt 95% (chỉ tiêu chung là 85%). Đặc biệt, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch phải đạt 100% (chỉ tiêu chung là 65%),... Nhiều tiêu chí khác cũng phải từ đạt hoặc cao hơn so với chỉ tiêu chung của cả nước.

img

Bò sữa là vật nuôi chính giúp tăng thu nhập ở một số xã NTM của TP.HCM hiện nay. Ảnh: H.V

Theo ông Tất Thành Cang- Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, cơ sở pháp lý và các điều kiện để xây dựng NTM không thiếu, chỉ có điều thành phố đã vào cuộc quyết liệt và đồng bộ hay chưa? “Đặc thù của TP.HCM là đất ít, người đông nhưng có lợi thế là nhiều viện, trường, điều kiện ứng dụng khoa học trong sản xuất nông nghiệp là rất lớn. Thành phố là đầu mối giao thương lớn trong và ngoài nước, kể cả phục vụ cho các vùng miền trong cả nước và xuất khẩu… Đây là đặc điểm thuận lợi lớn so với các tỉnh thành trong cả nước để chúng ta xây dựng NTM” - ông Cang nói.

Cũng theo ông Cang, để từng huyện, từng xã đi vào từng đầu việc, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc một cách đồng bộ, biến đề án trên giấy thành kết quả thực tiễn. “Thực tiễn cho thấy ở nơi nào cấp ủy, lãnh đạo vào cuộc quyết liệt thì thành quả rất tốt và ngược lại. Phải gắn xây dựng NTM vào nhiệm vụ chính trị xã hội, phải tuyên truyền để nông dân thấy mình là chủ thể trong việc xây dựng NTM. Phải xây dựng NTM trên tinh thần dân chủ, không gượng ép chạy theo hình thức” - ông Cang nhấn mạnh.

Còn theo ông Lê Thanh Liêm, việc nâng cao các chỉ tiêu xây dựng NTM nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, đem lại các điều kiện thụ hưởng cho người dân tốt hơn, mang lại thu nhập cao và giảm nghèo bền vững hơn. Để thực hiện đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 TP.HCM sẽ đầu tư hơn 40.600 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước đầu tư trên 16.390 tỷ đồng, còn lại là vốn từ cộng đồng, doanh nghiệp.