Hạn hán xảy ra liên tục trong 40 năm
Hội nghị toàn thể ISG là sự kiện cấp cao được tổ chức thường niên giữa Bộ NNPTNT và cộng đồng các nhà tài trợ nhằm trao đổi kinh nghiệm và đối thoại về các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn với mục tiêu bảo đảm vai trò chủ động của Bộ NNPTNT trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án có sự hỗ trợ của nước ngoài phù hợp với các chính sách và ưu tiên của Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ NNPTNT nói riêng.
Nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn được xem là một trong những giải pháp thích ứng BĐKH hiệu quả, mang lại thu nhập cho nông dân. Ảnh: T.L
Việc chuyển đổi vùng ĐBSCL thành một hệ sinh thái ổn định với một nền nông nghiệp phát triển bền vững cần khoảng 10 tỷ euro trong 10 năm tiếp theo. Trong đó Bộ NNPTNT có vai trò chính trong các sáng kiến hoặc các cơ chế phối hợp liên kết thích ứng biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL”. TS Christian Henckes - Giám đốc Chương trình Quản lý Tổng hợp vùng ven biển (ICMP), thuộc Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) |
Chủ đề của hội nghị toàn thể ISG 2016 là “Hợp tác quốc tế vì tăng trưởng nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan”. Mục tiêu chung của hội nghị nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực từ cộng đồng quốc tế hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) và thời tiết cực đoan tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) cho biết: “Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, BĐKH. Theo thống kê, Việt Nam đang phải hứng chịu hơn 19 loại hình thiên tai. Trong 50 năm gần đây, có đến 40 năm hạn hán xảy ra ở mức độ khác nhau và ở hầu hết các vùng của Việt Nam”.
Ví dụ điển hình nhất là hiện tượng El Nino (nước biển nóng lên) đã ảnh hưởng đến Việt Nam từ cuối năm 2014, kéo dài đến tháng 6.2016. Đây là El Nino dài nhất trong lịch sử khiến 11/13 tỉnh ở đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, khoảng 405.000ha lúa và hoa màu, 28.500ha cây ăn quả, 82.000 ha diện tích tôm nuôi bị thiệt hại. Tổng giá trị thiệt hại lên tới 7.900 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường - chủ trì hội nghị cho biết: “Việt Nam là đất nước mà nền kinh tế nông nghiệp có vai trò hết sức quan trọng. Từ chỗ độc canh chủ yếu cây lúa, một năm nhập 2 triệu tấn lương thực, thực phẩm, Việt Nam đã vươn lên thành nước xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu với 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất, mang tính lâu dài chính là BĐKH”.
Huy động nguồn lực từ cộng đồng quốc tế
“Hạn hán kéo dài ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, chúng ta cần có chính sách tốt hơn, cần quan tâm hơn nữa tới việc ứng phó với BĐKH. Chúng tôi cũng mong phía Việt Nam sẽ có những hành động cụ thể cho những cộng đồng dân cư dễ tổn thương nhất, để họ thích ứng tốt với BĐKH” - bà Louise Chamberlain – quyền Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, công tác ứng phó với thiên tai tại Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ cộng đồng quốc tế. Tính đến tháng 11.2016, Việt Nam đã huy động được 26,4 triệu USD, đáp ứng 54,4% kế hoạch ứng phó khẩn cấp hồi tháng 4.2016, trong đó nguồn lực quốc tế huy động được là 18,4 triệu USD.
Ước tính của Chính phủ cho nhu cầu phục hồi của 18 tỉnh bị ảnh hưởng nặng bởi hạn hán, xâm nhập mặn là 1.046 triệu USD, trong đó năm 2017 là 365 triệu USD, giai đoạn 2018-2020 là 681 triệu USD.
Chia sẻ về việc hỗ trợ Việt Nam ứng phó với BĐKH, ông Christian Berger - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam cho hay: “Chúng tôi hỗ trợ Việt Nam theo hướng phục hồi ven biển ĐBSCL trước tác động của BĐKH. Khu vực này ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới bởi BĐKH và thời tiết cực đoan, theo đó chúng tôi đang giới thiệu và triển khai trồng rừng ngập mặn ven biển. Chúng tôi cũng đã và đang hỗ trợ nông dân Việt Nam thích ứng với BĐKH trong nhiều năm qua. Chính phủ Đức sẵn sàng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam ứng phó với BĐKH, thời tiết cực đoan”.