Có được một công việc tốt không chỉ là mơ ước của 112 thủ khoa xuất sắc và 224 thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn TP.Hà Nội vừa được ghi danh sổ vàng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, mà còn là mơ ước của mỗi thế hệ sinh viên ra trường hàng năm.
Tuy nhiên vẫn là những câu hỏi chưa có câu trả lời chính xác: Tại sao các thủ khoa ít chọn cơ quan Nhà nước để công tác? Chỉ có 39 trong tổng số 224 thủ khoa được hỏi cho biết có nguyện vọng làm việc tại các cơ quan Nhà nước; số còn lại mong muốn làm việc tại các công ty tư nhân, công ty nước ngoài hoặc đi du học.
Các thủ khoa chụp ảnh với GS Ngô Bảo Châu. |
Qua ghi nhận thực tế hàng năm cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay số thủ khoa tìm được vị trí công việc thích hợp và trụ lại trong các cơ quan Nhà nước.
Em Đào Mỹ Hằng - thủ khoa xuất sắc của Học viện Ngân hàng lý giải: "Ngoài vấn đề lương thấp, cơ hội thăng tiến khó khăn, các thủ khoa nói riêng và những sinh viên giỏi nói chung chưa được các cơ quan Nhà nước có chính sách thu hút hợp lý. Trong khi các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngay từ những năm thứ 3 đã có chính sách hỗ trợ sinh viên giỏi rất thoả đáng. Điều này khiến chúng em kỳ vọng hơn về một công việc tốt, mức lương cao ở những doanh nghiệp đó".
Còn Bùi Minh Hoài - thủ khoa xuất sắc Học viện Kỹ thuật quân sự, mong muốn: "Giá như Nhà nước có chế độ ưu tiên thích hợp hơn đối với thủ khoa, ví dụ như tuyển thẳng hay xét tuyển vào các vị trí phù hợp thì thủ khoa sẽ yên tâm trụ lại và phát huy năng lực”.
Còn Đào Ngọc Tuấn - thủ khoa Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) cho rằng: "Nếu vào trong cơ quan Nhà nước thì cơ hội tiếp tục đi học lên sẽ khó thực hiện hơn nếu cơ quan không có cơ chế hỗ trợ. Chính vì vậy, các thủ khoa thường tính phương án du học trước, làm sau, mà sau khi du học nhiều, bạn sẽ tìm cơ hội công việc ở nước ngoài hơn là về làm việc trong các cơ quan Nhà nước".
Tùng Anh