Trước đó, ngày 6.12, 4 thanh niên tuổi từ 24-27 đã bị bỏng tới hơn 90%, sau khi ngôi nhà tại lầu 4 ngôi nhà ở quận Phú Nhuận, TP HCM đã phát nổ. Điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, căn phòng tại tầng 4 rộng khoảng 13 m2 có hiện tượng xảy ra cháy nổ hơi khí, gây bỏng.
Nhà chức trách còn phát hiện trong phòng sử dụng xăng để lau, làm vệ sinh sàn nhà cùng các vật dụng như bật lửa, bao thuốc lá. Kết luận ban đầu cho thấy có thể một người đã dùng xăng lau chùi sàn khiến hơi xăng bốc lên trong phòng kín. Sau đó có người bật lửa hút thuốc làm cháy hơi xăng trong phòng, gây phát nổ.
Các nạn nhân bị bỏng đến hơn 90% (Ảnh congan.com.vn)
Theo các chuyên gia cháy nổ, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra khi người dân dùng xăng dầu để lau nhà, lau kính, tẩy vết ố quần áo… Trong khi đó người khác lại vô tình dùng lửa, hút thuốc bên cạnh, gây ra những vụ cháy nổ khó lường. Vì khi lau sàn bằng xăng đối với phòng kín, hơi xăng sẽ không thoát ra ngoài mà bốc lên trên cao.
Chỉ cần có người bật bếp ga, bật lửa hoặc có các dụng cụ tạo lửa khác là hơi xăng sẽ bùng lên, tạo thành các vụ cháy nổ. Do đó, người dân nếu dùng xăng lau nhà, tẩy quần áo thì cần mở rộng cửa cho hết mùi xăng, đảm bảo xăng bay hết mới sử dụng lửa trong phòng.
Bác sĩ Phạm Văn Gia, nguyên Phó giám đốc Viện Bỏng Quốc gia cho biết, bỏng xăng xếp loại bỏng do nhiệt khô. Xăng khi cháy có nhiệt độ rất cao nên thường gây bỏng sâu, rộng, hơn các vết bỏng do nước sôi, dầu ăn nóng.
Vết thương di chứng sau bỏng xăng rất nặng nề, ảnh hưởng sức khỏe, thẩm mỹ và đặc biệt về mặt tâm lý của bệnh nhân. Nếu không chữa trị đúng cách, vết thương thường rất lâu khỏi. Bỏng rộng có thể dẫn đến hoại tử thứ phát, độ bỏng sâu hơn, co kéo bề mặt da tạo sẹo xấu. Nguy hiểm hơn, vết thương có thể bị nhiễm trùng gây nhiễm trùng máu, suy thận, suy đa tạng, ảnh hưởng đến tính mạng.
Theo bác sĩ Gia, để hạn chế các vết bỏng từ xăng, việc dập lửa, sơ cứu đúng cách là rất quan trọng. Trước hết nếu xác định bỏng xăng thì không dùng nước dội lên người bệnh nhân vì xăng cháy trên bề mặt nước nên cần dùng chăn, ga rộng để chùm lên nạn nhân để dập lửa. Xối nước mát vào vết thương từ 30-60 phút để giảm nhiệt, giúp nạn nhân không bị bỏng sâu hơn. Các phần quần áo đã dính vào vết thương thì không nên tự ý bóc ra, không chọc vỡ chỗ phồng rộp. Giữ vết bỏng sạch, phủ gạc hoặc vải sạch lên vết bỏng rồi đưa nạn nhân đi cấp cứu, không chọc vỡ chỗ phồng rộp.
Đặc biệt người nhà không được dùng kem đánh răng, nước mắm, lòng trắng trứng… hay bất cứ loại thuốc dân gian nào. Nếu không vết bỏng sẽ có thể bị nhiễm trùng và biến chứng khó lường.
Theo bác sĩ Nguyễn Thống – Trưởng khoa Bỏng (Bệnh viện Xanh pôn Hà Nội), mỗi tháng khoa Bỏng tiếp nhận hàng chục ca bỏng mà hầu hết đều do sinh hoạt bất cẩn mà ra. Nhiều ca bỏng là do người dân sử dụng xăng, cồn để đun bếp, lau nhà hoặc nướng đồ ăn. Có nhiều trẻ em bị bỏng do sự bất cẩn của cha mẹ khi để trẻ chơi cạnh phích nước nóng, nồi canh, chảo dầu, bình nước sôi…
Ngoài các cách sơ cứu nói trên, theo bác sĩ Thống, nếu các vết bỏng không sâu thì nên cởi quần áo cho nạn nhân trước khi vết thương phồng rộp thành bọng nước. Còn nếu quần áo đã dính chặt với vết bỏng thì tuyệt đối không lôi kéo, bóc ra. Không dùng đã lạnh để chườm vì có thể khiến trẻ bị bỏng lạnh hoặc bị giảm thân nhiệt.