Dân Việt

Hôi thịt trâu giữa đường: Độ chịu nhục ở tầm cao mới?

Trương Hữu Danh 07/12/2016 11:59 GMT+7
Hôi bia, hôi của, hôi tài sản khi xe bị tai nạn đã là những câu chuyện phổ biến. Nhưng vác dao ra đường, xẻ thịt con trâu bị xe tông giữa đường để tranh ăn mặc kệ xe cộ, mặc kệ máu me lầy đường, có lẽ một nhóm người đã nâng độ chịu nhục lên một tầm cao mới.

Ông bà mình nói, miếng ăn là miếng nhục. Nhục, từ Hán Việt thì là thịt. Nhưng ở đây, ý của người xưa là đừng vì miếng ăn mà tranh giành với nhau "miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu".

img

Đám đông hò nhau xẻ thịt con trâu giữa đường. Ảnh cắt từ clip

Người Việt mình, nhà có hiếu cả xóm xúm lại phụ. Còn ăn cỗ việc hỉ, cứ phải thủng thẳng vô sau vì không muốn bị nói "ăn cỗ đi trước". Thành ra thói quen, gia chủ mời 17 giờ thì cỡ 18 giờ tới là vừa. Trong bàn tiệc, thường người ta phải gắp bỏ cho người rồi mới gắp cho mình, cũng vì không muốn miếng ăn là miếng nhục. Ở nhiều vùng nông thôn, không ai gắp miếng ăn cuối cùng vì sợ mang tiếng là "tham".

Có thể còn đói, có khi còn thèm, nhưng đại đa phần người Việt thường coi trọng chữ sĩ diện và không chấp nhận chuyện giành miếng ăn. Thế nhưng, đó là một câu chuyện đã cũ. Không hiểu từ bao giờ, người ta trở nên bẩn tính, bẩn đến mức vì miếng ăn miếng uống mà sẵn sàng hè nhau cướp miếng ăn trong nồi cơm của người khác. Hôi bia, hôi của, hôi tài sản khi xe bị tai nạn đã là những câu chuyện phổ biến. Nhưng vác dao ra đường, xẻ thịt con trâu bị xe tông giữa đường để tranh ăn mặc kệ xe cộ, mặc kệ máu me lầy đường, có lẽ một bộ phận nhỏ người Việt đã nâng độ chịu nhục lên một tầm cao mới.

Chỉ trong vòng vài giờ, dân mạng chia sẻ rộng rãi một đoạn clip về số phận một con trâu bị tai nạn. Cụ thể, khi băng qua đường, con trâu này đã bị một chiếc xe tải cán chết. Thế nhưng thay vì tìm hiểu xem chủ trâu là ai và đưa nó vào vệ đường nhằm tránh tắc nghẽn giao thông, nhiều người dân lại mang dao ra, quây lại và… xẻ thịt con trâu. Sự việc được cho là xảy ra trên đoạn ngã Tư Bình Chuẩn (tỉnh Bình Dương).

Ngay khi đoạn clip được đăng lên một số diễn đàn và trang mạng xã hội, nó đã được chia sẻ rộng rãi. Rất nhiều bình luận mang tính chỉ trích nhắm vào những người dân mang dao ra xẻ thịt con trâu. Trong clip, những chiếc xe tải lớn bị cản trở, phải chầm chậm chạy qua "lò mổ" lộ thiên nằm giữa đường nhựa. Những người cầm dao, ai cũng nhăm nhăm phần thịt to nhất. Không một ai rủ nhau kéo con trâu vào lề đường, bởi, biết đâu bỏ dao ra kéo trâu có thằng khác nó tranh mất miếng ngon? Ai nuôi trâu bò thì cũng biết rằng con trâu to cỡ này là một tài sản lớn với người chủ. Con trâu này có giá cũng phải cỡ hàng chục triệu đồng. Những con người cầm dao cướp miếng ăn giữa đường kia, cướp một cách công khai, không biết trong đầu họ đang nghĩ gì. Miếng ăn là miếng nhục, trong trường hợp này đúng là quá điển hình.

Hình ảnh một bộ phận nhỏ người Việt nhục vì miếng ăn không chỉ nổi tiếng ở tầm quốc gia mà còn vang danh ở tầm... quốc tế. Vì bát bún ngon, nhiều người thanh lịch sẵn sàng nghe chửi để được ăn. Bún mắng cháo chửi, trở thành đề tài của báo chí nước ngoài. Đi du lịch nước ngoài, hướng dẫn viên phải liên tục nhắc nhở người Việt không được gắp quá nhiều thức ăn rồi bỏ thừa khi vào nhà hàng tự chọn. Mà đâu chỉ hướng dẫn viên nhắc bằng miệng, nhiều người Việt tự trọng cảm thấy "nhục" khi nhà hàng có những thông báo ghi bằng tiếng Việt "nếu ăn thừa sẽ bị phạt" nhằm cảnh báo thói tham ăn, con mắt to hơn cái bụng.

Cũng trên mạng, những clip người ta tranh nhau cướp hải sản ở những nhà hàng tự chọn, giành giật cho đầy những tô những đĩa to đùng dù nhiều người sau đó ăn không nổi.

Nếu cướp thịt trâu ở Bình Dương hay cướp bia ở Đồng Nai có thể đổ cho một bộ phận người nghèo thì tranh ăn ở nhà hàng nước ngoài chắc chắc chắn không thể có người nghèo? Hà cớ gì và từ khi nào mà một số người lại "bẩn tính" đến như vậy? Có lẽ, sẽ không có câu trả lời nào là đầy đủ.

Khi xem cảnh nhóm người xẻ thịt trâu giữa đường, tự nhiên tôi nhớ những người nông dân nghèo ở Long An. Chuyện vài tuần trước, khi chiếc xe tải chở vịt bị lật làm 800 con vịt chết ngộp. Người dân đã ùa ra đường thu gom phụ chủ vịt. Sau đó, họ đã chia nhau mua vịt chết về ăn để người chủ thu hồi được một phần vốn. 800 con vịt, tiền thu về không thiếu một con. Tại đoạn đường mà chiếc xe vịt bị lật, từng có xe chở cá bị lật. Và cũng không có con cá nào bị cướp.

Tôi tự hỏi, chẳng lẽ người nghèo thì lòng tự trọng cao hơn một số người giàu?