Dân Việt

Nông trường tự ý chặt cây của dân vì... “lợi ích chung”(?)

Mai Quốc Ấn 08/12/2016 06:20 GMT+7
Bà Nguyễn Thị Nhường (xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) phản ánh việc tháng 8.2014 Nông trường cao su Bình Lộc tự ý san ủi, chặt hạ hơn 3.000 cây xoan đào, muồng đen mà bà trồng từ 1983, nhưng đến nay không bị xử lý. Phóng viên Báo NTNN đã vào cuộc tìm hiểu.

Đúng là tự ý chặt hạ

Tháng 8.2014, gia đình bà Nhường phát hiện tài sản bị xâm hại và làm đơn trình bày vụ việc gửi đến cơ quan chức năng. Công an huyện Thống Nhất và chính quyền địa phương đi xác định thiệt hại vào tháng 8.2015. Biên bản hiện trường xác định trên 700m2 đất do gia đình bà Nhường canh tác có gần 800 gốc muồng đen, xoan đào với nhiều kích cỡ bị chặt hạ, giá trị thiệt hại trên 114 triệu đồng.

img

Bà Nhường nằm trên giường bệnh và kể lại vụ việc. Ảnh: Q.A

Bà Nhường mất sức sau một ca mổ nên ủy quyền cho con trai là ông Nguyễn Trung Trực tiếp tục theo đuổi vụ việc. Ông Trực cho hay: "Cứ tính số tuổi, kích thước cây và hỏi giá thị trường sẽ thấy con số 114 triệu đồng như kết quả giám định là không chính xác”.

Dựa vào kết quả xác định thiệt hại, bà Nhường có đơn đề nghị phải xử lý hành vi hủy hoại tài sản đối với các cá nhân ở Nông trường Bình Lộc. Tuy nhiên, Công an huyện Thống Nhất cho rằng không xử lý vì Nông trường Bình Lộc “không có động cơ cá nhân hay tư lợi”.

Trong văn bản thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố do thượng tá Ngô Thanh Hùng - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Thống Nhất ký ngày 31.5.2016 có khẳng định: "Nông trường tự ý chặt hạ, gây thiệt hại về tài sản là vi phạm pháp luật". Thế nhưng ngay sau những dòng dưới đó, văn bản này lại cho rằng việc làm của Nông trường Bình Lộc là vì... "lợi ích chung", là "nhu cầu chính đáng" nên không xử lý.

Nhiều điểm chưa rõ

img

Một gốc cây bị chặt hạ trái phép sót lại trên đất bà Nhường. Xung quanh cây cỏ đã mọc um tùm. Ảnh: Q.A

Theo tìm hiểu của phóng viên, "nhu cầu chính đáng" mà văn bản của Cơ quan CSĐT Công an huyện Thống Nhất đề cập là việc Nông trường Bình Lộc đòi lại đất. "Gia đình bà Nhường có lỗi vì không trả lại đất khi hết hạn hợp đồng và không thực hiện nghĩa vụ thuê đất như đã cam kết"- đây là nội dung trong văn bản thông báo mà thượng tá Ngô Thanh Hùng - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT  ký ban hành.

Cho rằng việc làm của nông trường xuất phát từ tranh chấp liên quan đến hợp đồng thuê đất, là quan hệ dân sự nên "Cơ quan CSĐT Công an huyện Thống Nhất không khởi tố vụ án hình sự". Thực tế, trong biên bản hòa giải lại thể hiện rõ đại diện của nông trường là ông Trương Văn Thanh (khi hòa giải là Phó giám đốc, nay đã lên chức Giám đốc nông trường này) thừa nhận: "không có hợp đồng thuê đất nào cả". Văn bản của Cơ quan CSĐT Công an huyện Thống Nhất ngày 31.5.2016 cũng cho biết: Qua làm việc, bà Nhường không thừa nhận diện tích đất trên là của Tổng Công ty cao su Đồng Nai (Nông trường Cao su Bình Lộc) mà do ông Tâm tự khai phá năm 1983 (ông Tâm là Nguyễn Đức Tâm - nguyên Phó Giám đốc Nông trường Cao su Bình Lộc, chồng bà Nhường, đã chết năm 2002).

Ông Nguyễn Trung Trực đã giao bản sao các hồ sơ liên quan vụ việc cho phóng viên và cho biết: "May là tôi kỹ tính nên lưu giữ lại mọi bằng chứng. Cơ quan chức năng huyện Thống Nhất nói không khởi tố vụ án hình sự, chúng tôi khiếu nại lên cấp tỉnh thì cấp tỉnh nói cấp huyện làm đúng. Chúng tôi sẽ kiện nông trường, và gia đình tôi sẽ khiếu nại tiếp tục lên cấp bộ về trả lời của Công an huyện Thống Nhất".

“Tài sản của dân mà nông trường tự ý vào san ủi, hủy hoại. Cơ quan điều tra huyện nói đây là đất nông trường cho gia đình tôi thuê mà không có chứng cứ nào để khẳng định điều đó, và chính người của nông trường cũng khẳng định không có hợp đồng thuê đất nào"- bà Nhường nói.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải phóng):

Nhiều điều chưa làm rõ

img

Hành vi của Nông trường Lộc Bình có dấu hiệu hình sự của một loạt hành vi như: "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" (Điều 143 Bộ luật Hình sự), "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" (Điều 285), "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" (Điều 165)... Tuy nhiên, để có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan CSĐT cần xác minh làm rõ hành vi tự ý san ủi vườn cây có giá trị lớn như vậy là do ai thực hiện? Có tổ chức hay không? Được thực hiện tự phát bởi các cá nhân hay bởi chỉ đạo của lãnh đạo nông trường. Nếu thực hiện san ủi theo chỉ đạo thì phải xem có chủ trương và kế hoạch hay không? Việc cơ quan CSĐT trả lời không có dấu hiệu hình sự vì cho đó là "quan hệ dân sự" là không thỏa đáng. Theo luật, người dân có quyền khiếu nại các quyết định, hành vi tố tụng của Cơ quan CSĐT Công an huyện Thống Nhất đến các cơ quan có thẩm quyền cao hơn.

Luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP.HCM):

Cần xem có cố ý hay không

img

Trước hết, cần phải xem xét hành vi hủy hoại này có cố ý hay không để xác định đây là vi phạm pháp luật hình sự hay chỉ là các tranh chấp dân sự giữa người dân với nông trường. Trong trường hợp xác định được hành vi hủy hoại tài sản của người dân, sau đó người của nông trường bán nhằm chiếm đoạt tài sản thì cơ quan điều tra cần xem xét cả hành vi "cưỡng đoạt tài sản" của những người của nông trường thuê chặt cây. Trong trường hợp hành vi, hậu quả đã có nhưng cơ quan điều tra vẫn không khởi tố vụ án để điều tra thì người bị hại có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để xem xét hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội. 

Quốc Ấn (ghi)