Trận lũ từ ngày 30.11- 3.12 vẫn chưa khắc phục xong hậu quả nhưng từ ngày 5- 8.12, trên địa bàn tỉnh Bình Định lại xuất hiện trận lũ tiếp theo. Lũ chồng lũ, người dân âu lo, hối hả chạy trốn khỏi cơn giận dữ của thiên tai.
Người dân dùng bao cát để chắn lũ. Ảnh: Dũ Tuấn
Theo ông Trương Đình Tiến- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), ngày 6.12, thi thể em Dương Nguyễn Thúy Nhiên (SN 2007, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học số 1 Phước Thuận) bị nước lũ cuốn trôi tại cầu tràn Ông Vịnh (thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận) đã được tìm thấy.
“Mưa lũ đã tàn phá quá nặng nề nhiều vùng quê tại Bình Định. Nước lũ này chưa rút hẳn, thì trận lũ khác đã ùa đến dẫn đến cái chết thương tâm cho người dân, nhà cửa đổ nát”- ông Tiến chia sẻ.
Ông Khưu Đại Lợi- Phó Trưởng phòng phụ trách phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước cho biết, do nước lũ từ thượng nguồn đổ về nên từ chiều 6.12 đến nay, đã có hơn 34.000 học sinh của 58 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện phải nghỉ học.
Mưa lũ ồ ạt kéo về khiến ngôi nhà cấp 4 là nơi che nắng, che mưa của gia đình ông Nguyễn Thanh Xuân và Võ Thị Bích Dung (trú thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) trở thành đống đổ nát, hoang tàn.
Ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Thanh Xuân và Võ Thị Bích Dung (trú thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) trở thành đống đổ nát, hoang toàn do lũ. Ảnh: Dũ Tuấn
“Dòng nước lũ chảy siết ập đến từ đêm ngày 3.12, thấy lo lắng vợ chồng tôi đành đưa người cha già 87 tuổi sang nhà hàng xóm để tá túc. Nhưng khi vừa quay về thì ngôi nhà đổ sập xuống, thành đống đổ nát trong tích tắc. May mắn, 3 đứa con tôi đã chạy ra ngoài nhưng đồ đạc, tài sản trong nhà bị ướt, hư hỏng hết"- bà Dung buồn rầu nói.
Tại huyện Phù Cát, các xã khu Đông như: Cát Chánh, Cát Tiến, Cát Nhơn (ngập từ 1,5m - 2m). Vùng Cát Khánh bị sạt lở giao thông chia cắt thôn Phú Trung với 60 hộ dân. Hơn 500 nhà dân tại huyện Hoài Ân bị chìm trong nước lũ.
Theo Trung tá Thân Trọng Minh- Chính trị viên Ban CHQS huyện Phù Mỹ, ngày 7.12, nước lũ đổ về mạnh đã làm cô lập nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện. Trong đó tại xã Mỹ Chánh, nước lũ chảy xiết đã làm xói lở các nhà dân sống dọc các đoạn tràn ở thôn Lương Trung, Lương Thái và An Xuyên 3.
Lũ chồng lũ, cuộc sống người dân Bình Định lâm vào cảnh cô lập, kiệt quệ. Ảnh: Dũ Tuấn
Trước tình hình này, Ban CHQS huyện đã khẩn trương đưa lực lượng của đơn vị phối hợp với lực lượng công an huyện, lực lượng dân quân tại chỗ khoảng 60 đồng chí đã tiến hành di dời khẩn cấp những nhà dân bị ngập sâu, những nhà dân bị nước lũ chảy xiết có nguy cơ sạt lở; đồng thời dùng bao cát chặn dòng nước lũ để làm giảm bớt dòng nước lũ chảy xiết, gây sạt lở nhà của các hộ dân.
Tại huyện Hoài Nhơn, mưa lũ khiến các xã Hoài Sơn, Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Hải, Hoài Phú, Hoài Mỹ (ngập sâu từ 1-1,5m), giao thông liên xã chia cắt, nhiều bờ suối, cầu cống ở các xã nói trên bị sạt lở nặng. Đặc biệt, lũ lớn đã khiến 1 người chết là bà Nguyễn Thị Ảnh (55 tuổi, trú xã Hoài Châu Bắc).
Nhiều chiến sĩ đang giúp người dân huyện Phù Mỹ (Bình Định) chạy trốn khỏi lũ dữ. Ảnh: Dũ Tuấn
Ông Trần Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các sở ngành liên quan và UBND các cấp tập trung triển khai ứng phó với mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng nhân dân. Đặc biệt, chú trọng bảo vệ các hồ chứa, thường xuyên kiểm tra, đồng thời chỉ đạo điều tiết nước các hồ chứa cho hợp lý nhằm hạn chế ngập nặng ở vùng hạ lưu. Bên cạnh đó, lực lượng quân đội cũng đang huy động các lực lượng giúp dân di chuyển lên các vùng cao an toàn”.