Dân Việt

Bác sĩ lý giải vụ cháu bé 2 tuổi người Campuchia bị hành hạ dã man

Minh Nguyệt 08/12/2016 11:29 GMT+7
“Bạo hành trẻ em là chuyện không thể chấp nhận, nhất là khi nó được gây ra bởi một kẻ bình thường. Những kẻ hành hạ trẻ em cần phải bị trừng trị thích đáng, ở khung hình phạt cao nhất có thể, để tăng tính răn đe”.

img

Trường hợp hành hạ trẻ em nghiêm trọng như Nguyễn Thành Dũng cần xử lý tăng nặng (Ảnh Internet)

Đây là ý kiến của bác sĩ Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó cục trưởng Cục Chăm sóc Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐTB&XH).

Ông An cho biết, đứng về góc độ y khoa hoàn toàn có thể lý giải được vì sao lại xảy ra các vụ bạo hành trẻ em, ở trường hợp mà báo chí vừa nêu là một em bé 2 tuổi người Campuchia bị bạo hành rất dã man. Đó là do những kẻ bạo hành bị bệnh hoạn, tâm thần phân liệt, vì vậy mới thích hành hạ người khác.

Khi làm người khác đau đớn, những kẻ bạo hành thấy thích thú, thấy được niềm vui.

Trong loại bệnh tâm thần phân liệt này còn một loại nữa (loại này mới xuất hiện) là đối tượng bị “ngáo đá”.

Theo đó, những người bị ngáo đá lúc nào cũng nghĩ người khác là ma, quỷ nên phải tra tấn. Đó cũng là những đối tượng thuộc dạng bệnh hoạn, mang bệnh tật.

Tuy nhiên, câu chuyện cháu bé 2 tuổi người Camphuchia bị hành hạ mà báo chí đang phản ánh, dư luận đang phẫn nộ này lại khác. Bởi tính chất của vụ việc quá tàn bạo, tàn nhẫn, không thể chấp nhận được ở kẻ bạo hành-một con người được cho là bình thường.

“Qua những gì báo chí phản ánh thì có lẽ đây là lần đầu tiên chúng ta thấy một “con quỷ” hành hạ trẻ em mới cười đùa, thỏa thích như vậy. Kể cả trong trường hợp, kẻ bạo hành này xem cháu bé là “con vật” thì anh ta cũng không thể cười đùa thỏa thích, tra tấn dã man cháu bé nhiều lần như thế”, ông An nói.

Vụ việc được quay clip đưa lên mạng xã hội khiến người xem cảm thấy căm phẫn tột cùng. Những kẻ như thế này phải được trừng trị thích đáng, ở khung hình phạt cao nhất có thể, để tăng tính răn đe.

“Khung hình phạt của Luật hình sự đưa ra cũng đã có trong điều 114 về hành hạ, bạo hành trẻ em để lại tổn hại về sức khỏe từ 11% trở lên thì sẽ bị phạt tù từ 6 tháng tới 3 năm. Tuy nhiên nếu để ảnh hưởng cả về tinh thần, tính mạng thì khung hình phạt có thể tăng nặng lên”, Ông An viện dẫn.

Hiện nay, Luật của Việt Nam xử lý đối tượng bạo hành trẻ em còn nhiều vấn đề. Luật chỉ nghiêng về việc đánh giá, xử lý các đối tượng bạo hành để lại hậu quả về thể chất, thể xác mà chưa có khung hình phạt để xử lý những hậu quả về tâm lý, tinh thần.

“Vụ việc bạo hành lần này chắc chắn sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng về tâm lý với cháu bé này. Nhiều khả năng cháu bé này sẽ bị chấn động tâm lý nặng nề bởi những hậu quả về bạo hành, lạm dụng tình dục mà các cá nhân bạo hành cháu bé gây ra”, ông An nhận định.