Chủ yếu dựa vào nguồn lực nhà nước
Thời gian qua, Bộ NNPTNT đã tập trung nguồn lực giải quyết các vấn đề bức xúc thực tiễn đối với các sản phẩm chủ lực của ngành như cây lúa, cà phê, tiêu, tôm, cá tra, cây lấy gỗ lớn, gia cầm. Bộ đã đặt hàng trực tiếp cho tổ chức nghiên cứu đến sản phẩm cuối cùng, có sự tham gia của doanh nghiệp. Giai đoạn 2013-2016 có 149 giống cây trồng vật nuôi; 65 quy trình công nghệ, 35 tiến bộ kỹ thuật đã được công nhận và chuyển giao vào sản xuất.
Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi được nhiều nông dân tại huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ đánh giá cao. Ảnh: C.L
Tuy nhiên, theo Vụ KHCN và môi trường, các chính sách cụ thể phục vụ cho phát triển KHCN chưa thực sự đồng bộ; quá trình đổi mới cơ chế, chính sách phát triển về mặt chủ trương, đường lối thông thoáng, rõ ràng nhưng về mặt thực tế vẫn còn nhiều bất cập, khó thực hiện; chương trình KHCN trọng điểm chưa có sự đổi mới; các chính sách thu hút doanh nghiệp không hấp dẫn. Vẫn còn tình trạng thiếu các nghiên cứu chuyên sâu trên một đối tượng sản phẩm, phần lớn các nghiên cứu tập trung vào khâu giống, quy trình canh tác...
Bên cạnh đó, theo ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Các chủ nhiệm đề tài, dự án vẫn còn gặp nhiều bất cập trong cách tiếp cận, cách tổ chức triển khai vẫn còn bị động. Nguồn lực đầu tư vẫn còn dựa vào ngân sách nhà nước, sự tham gia của các thành phần xã hội vào KHCN còn rất hạn chế.
Khuyến nông cần cơ chế đặc thù
Ông Nguyễn Văn Tạo – Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng: “Hoạt động khuyến nông trong tương lai cần định hướng theo chuỗi sản phẩm, liên kết được 4 nhà. Đề nghị Bộ NNPTNT có những đổi mới về cơ chế, chính sách hỗ trợ, có cơ chế đặc thù cho hoạt động khuyến nông, đặc biệt là các nhiệm vụ khuyến nông trọng điểm, đòi hỏi phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Đồng thời, tăng cường và nâng cao hoạt động đào tạo nghề cho nông dân, khi nông dân đã quen với tiến bộ kỹ thuật mới, làm chủ được công nghệ thì khuyến nông mới thực sự có hiệu quả, bền vững” – ông Tạo đề xuất.
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, hệ thống tổ chức khuyến nông chuyên trách (từ cấp tỉnh đến cấp xã) hiện nay có khoảng 15.000 người, ngoài ra còn có lực lượng cộng tác viên khuyến nông thôn, bản với số lượng khoảng 23.000 người. Đây là lực lượng chính chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân.
Tuy nhiên, TS Trần Văn Khởi – quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia thông tin: Vụ KHCN và Môi trường là đầu mối thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khuyến nông của Bộ nhưng lực lượng cán bộ mỏng và phần lớn chưa kinh qua hoạt động khuyến nông. Bên cạnh đó, vai trò của Tổng cục, Cục chuyên ngành trong công tác quản lý khuyến nông lá rất hạn chế. Ngoài nhiệm vụ khuyến nông thường xuyên được Bộ giao chủ trì, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tham gia các dự án khuyến nông như một đơn vị viện, trường khác, làm mất vai trò, vị trí của một cơ quan khuyến nông T.Ư là đầu mối chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong phạm vi cả nước.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng: Trong những năm qua, công tác KHCN, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp đã có sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, so với yêu cầu của thực tiễn sản xuất và đặc biệt là tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thì vai trò của KHCN càng cấp thiết hơn nữa. Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ điều chỉnh lại đúng chức năng của Trung tâm Khuyến nông quốc gia là một cơ quan quản lý nhà nước, còn thực hiện là các viện, trường, doanh nghiệp, địa phương.
“Bước đặt hàng KHCN của chúng ta cần được chuyển đổi mạnh mẽ hơn, phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Chúng ta cần tập trung vào sản phẩm, trước hết là các sản phẩm quốc gia, rồi đến sản phẩm chủ lực của địa phương để dồn lực vào. Lâu nay các đề tài KHCN của chúng ta đã quá nghiêng về giống, gây mất cân đối nguồn lực, đặc biệt là các gói kỹ thuật, các biện pháp kỹ thuật nuôi và trồng hiện nay rất yếu” -Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.