Nhiều trẻ không làm được giấy khai sinh
Buôn Đăk Sar có 266 hộ/941 khẩu, gồm 7 dân tộc anh em sinh sống, trong đó chủ yếu là người Mông di cư từ các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang vào. Người dân sinh sống tại đây từ trước những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng đến năm 2011, buôn Đăk Sar mới được thành lập. Sống ở vùng sâu, vùng xa, người dân Đăk Sar đã quen với mọi khó khăn, thiếu thốn, nhưng khó khăn nhất là họ không có giấy tờ tùy thân.
Anh Thào A Vàng với 2 con nhỏ chưa làm được giấy khai sinh. Ảnh: H.A
Nay buôn đã có điểm Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kdăm được xây dựng tại buôn, tuy nhiên, về lâu dài, khi các cháu lên cấp học cao hơn thì chuyện không có giấy tờ tùy thân, hộ khẩu chắc chắn sẽ là “rào cản”. Niềm mong mỏi lớn nhất của người dân chúng tôi là được cấp sổ hộ khẩu để yên tâm trong cuộc sống". Ông Mã A Páo – Phó buôn Đăk Sar |
“Đa phần người dân trong buôn chưa có sổ hộ khẩu thường trú, chứng minh nhân dân. Còn về giấy khai sinh có khoảng gần 30 cháu chưa được làm” - ông Mã A Páo - Phó buôn Đăk Sar cho hay.
Anh Thào A Vàng (SN 1989) sinh được 2 người con, 1 cháu 4 tuổi, 1 cháu 2 tuổi. Nhưng vợ chồng anh chưa thể làm giấy khai sinh cho con vì chưa có giấy đăng ký kết hôn. Anh Vàng than thở: “Do chưa có giấy khai sinh nên 2 con đều không có bảo hiểm y tế. Những lúc các cháu ốm là cả nhà rất vất vả”.
Gia đình anh Vàng hiện chỉ trồng vài chục gốc cà phê, thu nhập chẳng đáng là bao. Mỗi lần con ốm, anh phải bán đồ đạc trong nhà, rồi vay mượn hàng xóm đưa con xuống trạm xá và tự trả viện phí. Nhiều khi gia đình túng thiếu quá thì đành phó mặc số phận cho trời.
Phó buôn Mã A Páo cho hay, do không có giấy tờ tùy thân nên người dân Đăk Sar rất khó tiếp cận các chính sách của Nhà nước. Các cháu nhỏ trong buôn không làm được khai sinh đồng nghĩa với việc không có thẻ bảo hiểm y tế, không được đi học. Do không có giấy tờ tùy thân nên người dân không được đăng ký tài sản, nhất là đăng ký xe máy. Vì vậy, nhà nào mua được xe chỉ dám đi loanh quanh trong buôn mà thôi.
Sớm tìm cách tháo gỡ
Ông Y Nốt B’krông - Chủ tịch UBND xã Đăk Nuê cho hay: Điều khó khăn nhất trong công tác cấp chứng minh thư hay sổ hộ khẩu ở buôn Đăk Sar là do người dân từ các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào nên chính quyền không thể xác minh được họ đã cắt khẩu ở quê hay chưa. Xã cũng đã thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn người dân về lại các tỉnh phía Bắc để xác minh thân thế, nhưng kết quả thu về chẳng được bao nhiêu. Phần vì người dân không hợp tác, phần vì kinh tế khó khăn nên họ không có kinh phí để về xác minh. Thêm vào đó, khu vực này là đất đã quy hoạch nhưng chưa hoàn chỉnh, chưa thể phân lô, phân thửa nên chuyện cấp hộ khẩu cho dân không thể một sớm một chiều được, mà cần phải theo chủ trương và kế hoạch của cấp trên.
“Xã đã tuyên truyền các cặp vợ chồng hoàn thiện các giấy tờ cần thiết để khai sinh cho con. Trước mắt trong thời gian chờ giải quyết dứt điểm vấn đề giấy khai sinh, cán bộ xã vẫn vận động giáo viên, học sinh tiếp tục dạy và học trước, bổ sung giấy tờ tùy thân sau. Còn về sổ hộ khẩu, xã đã báo cáo lên các cơ quan chức năng của huyện để giải quyết” – ông Y Nốt B’krông cho hay.
Theo thượng tá Lê Viết Kỳ - Phó Trưởng Công an huyện Lăk, hiện nay Công an huyện đang xem xét cấp sổ hộ khẩu thường trú cho người dân buôn Đăk Sar. Theo Điều 19 Luật Cư trú năm 2006 về “điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh”. Nhưng hiện bà con buôn Đăk Sar đang ở trong phần đất của lâm trường chưa được giao lại nên công an cũng rất khó tiến hành cấp sổ hộ khẩu thường trú.
Theo khẳng định của ông Y Bang Hđơk - Chủ tịch UBND huyện Lăk, UBND tỉnh đã có quy hoạch khu dân cư Đăk Sar. Các cơ quan chức năng đang tiến hành rà soát việc giao đất lại cho dân.