Dân Việt

Liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh: “Đừng nghĩ khiếu nại là việc xấu”

Thanh Xuân (thực hiện) 09/12/2016 06:20 GMT+7
“Hoạt động giải quyết khiếu nại và tố cáo là một trong những điều đã được ghi trong điều lệ Đảng. Đó là quyền của đảng viên và trách nhiệm của tổ chức Đảng...” - ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư nói khi trả lời phỏng vấn của phóng viên NTNN.

Sau khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư ra kết luận quyết định kỷ luật và đề nghị Ban Bí thư kỷ luật nhiều cán bộ cao cấp liên quan tới vụ Trịnh Xuân Thanh, tại cuộc tiếp xúc cử tri ở Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Một số cán bộ lên tiếng cho rằng bị oan”. Thưa ông, liệu những cán bộ đó có được quyền khiếu nại không?

img

Ông Vũ Quốc Hùng. Ảnh: T.P

Theo quy định của điều lệ Đảng, quyền và trách nhiệm của đảng viên thì đảng viên có quyền khiếu nại kỷ luật Đảng. Tôi xin nhắc lại, khiếu nại kỷ luật Đảng là một quyền của đảng viên. Đảng viên thấy tổ chức thi hành kỷ luật mình chưa thỏa đáng, có thể khiếu nại đúng điều lệ. Vấn đề ở chỗ, người bị kỷ luật đã nhận thức rõ sai phạm của mình chưa?

Nếu thấy sai phạm của mình không tới mức bị kỷ luật thì có quyền khiếu nại. Còn nếu không nhận thức ra sai phạm của mình mà khiếu nại lấy được thì lại là chuyện khác. Do đó, khi họ thực hiện quyền khiến nại thì ta nên tôn trọng việc thực hiện hành vi đó. Và khi đã có khiếu nại thì cơ quan thi hành kỷ luật phải xem xét lại khiếu nại của người đó.

Trong quy trình khiếu nại của đảng viên thì đảng viên được khiếu nại tới cấp nào?

- Khi đảng viên bị chi bộ thi hành kỷ luật thì phải khiếu nại tới chi bộ đó, nhưng khi chi bộ xem xét không được, cá nhân có thể tiếp tục khiếu nại tới Đảng ủy. Đảng ủy khi xem xét có thể quyết định theo 3 hình thức gồm: Chuẩn y, thay đổi và xóa bỏ.

Chuẩn y tức là Đảng ủy thấy chi bộ thi hành kỷ luật là đúng nên phải thi hành kỷ luật. Thứ 2 là Đảng bộ thấy chi bộ thi hành kỷ luật quá nặng thì thay đổi. Thứ 3 là xóa bỏ hình thức kỷ luật của chi bộ vì thấy không hợp lý.

Trường hợp các cán bộ liên quan tới vụ Trịnh Xuân Thanh bị Ủy ban Kiểm tra T.Ư kỷ luật và đề nghị Ban Bí thư kỷ luật, nếu các cán bộ này không chấp nhận thì có thể khiếu nại trực tiếp với Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Nếu Ủy ban Kiểm tra T.Ư vẫn không thay đổi quyết định, cá nhân đảng viên không đồng ý thì có thể tiếp tục khiếu nại lên Ban Bí thư, Bộ Chính trị và cấp cuối cùng là khiếu nại lên Ban Chấp hành T.Ư.

Thời gian ông còn làm ở Ủy ban Kiểm tra T.Ư, có nhiều trường hợp khiếu nại các quyết định kỷ luật không, thưa ông?

- Có nhiều, vì khiếu nại là hoạt động bình thường trong sinh hoạt Đảng. Còn đối với các quyết định của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, có nhiều trường hợp là xử lý, có trường hợp là kiến nghị xử lý nên kết luận cuối cùng có thể thay đổi.

Tôi ví dụ cụ thể vụ việc gần đây, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đề nghị thi hành kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng – nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương với hình thức cảnh cáo. Nhưng khi trình lên Ban Bí thư thì Ban Bí thư cho rằng mức kỷ luật này còn nhẹ và quyết định xử lý bằng hình thức cao hơn là cách chức. Vậy cách chức ở đây là cách chức gì? Tức là cách chức Bí thư Ban cán sự đảng của ông Hoàng giai đoạn ông Hoàng làm, vì việc này thuộc thẩm quyền của Ban Bí thư. Còn nếu xử ở mức cách chức Ủy viên T.Ư Đảng thì phải họp Ban Chấp hành T.Ư, dù ông Vũ Huy Hoàng không còn là Ủy viên T.Ư Đảng.

Nhưng khi bị cách chức Bí thư ban cán sự thì cũng tương đương như cách chức Ủy viên T.Ư Đảng, do đó không cần thiết phải triệu tập Ban Chấp hành T.Ư.

Mức kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra T.Ư đối với các cán bộ liên quan tới vụ Trịnh Xuân Thanh vừa qua ông thấy đã hợp lý chưa?

- Tôi không có đầy đủ hồ sơ, nhưng nếu chỉ đọc qua mức kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã kết luận, tôi thấy mức kỷ luật các cá nhân vi phạm là thỏa đáng. Tất nhiên, Đảng cũng có nguyên tắc giống các cơ quan xét xử là “án tại hồ sơ”. Không có hồ sơ thì không thể kết luận đã hợp lý hay chưa.

Thời điểm tôi còn đương chức, khi kỷ luật bất kỳ ai, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đều mời người bị kỷ luật đến, đọc công khai, cho xem lại tất cả các kết luận và câu chữ trong văn bản, người bị kỷ luật có thay đổi gì thì ghi vào biên bản. Tức là rất dân chủ, thông báo cho họ biết nội dung mình kết luận những kỷ luật đó, nếu không thỏa đáng, cơ quan thẩm tra sẽ phải xem xét lại.

Hoạt động giải quyết khiếu nại và tố cáo là một trong những điều đã được ghi trong điều lệ Đảng. Đó là quyền của đảng viên và trách nhiệm của tổ chức Đảng. Còn việc người ta mới khiếu nại thì đừng vội mà nghĩ xấu. Ủy ban Kiểm tra T.Ư sẽ phải xem xét nghiêm túc với kỷ luật đó đã thỏa đáng chưa.

Xin cảm ơn ông!