Dân Việt

Bộ trưởng GD ĐT: Sẽ chỉ đạo quyết liệt vụ game online vào trường học

P.V 09/12/2016 12:04 GMT+7
Bộ GD&ĐT đang khẩn trương rà soát thông tin về cuộc thi “Chinh phục vũ môn”. Theo đó, quan điểm của Bộ trưởng sẽ chỉ đạo quyết liệt, nhất định không có bất cứ điều gì ảnh hưởng đến học sinh.

Thông tin từ Bộ GD&ĐT ngày 9.12, đơn vị này đang khẩn trương rà soát thông tin về cuộc thi “Chinh phục vũ môn”. Theo đó, quan điểm của Bộ trưởng sẽ chỉ đạo quyết liệt, nhất định không có bất cứ điều gì ảnh hưởng đến học sinh.

Như Dân Việt đã thông tin, bức tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ GD ĐT của một ông bố tên Trần Trọng An (sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) về việc nhà trường tổ chức cho học sinh chơi game online trực tuyến có thể khiến con "nghiện game" đang gây chú ý trên mạng.

Bức tâm thư của anh An có đoạn: “Tôi viết tâm thư này gửi tới Bộ trưởng vì rất lo lắng về việc nhà trường tổ chức cho học sinh chơi trò chơi trực tuyến (game online) có yêu cầu nạp tiền bằng thẻ cào.

Con tôi đang là học sinh lớp 5, do thường xuyên kiểm soát việc dùng máy tính của cháu nên tôi phát hiện cháu chơi game "Chinh phục vũ môn" trên máy tính với lịch sử khá dày trên trình duyệt web”.

Quay ngược trở lại tìm hiểu sự việc thì vào tháng 10.2015, Bộ GD ĐT đã có công văn gửi các địa phương đề nghị các trường phối hợp tổ chức chơi game online này cho học sinh cấp 2.

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, kể từ đó đến nay, game này lại đang len lỏi vào các trường tiểu học.

Theo tác giả của bức tâm thư, hiện mỗi người chơi được yêu cầu nạp thẻ cào mệnh giá từ 10.000-300.000 đồng, tương ứng với số lần chơi hoặc "mua đồ trong game" nhất định.

Trong bức tâm thư, anh An tỏ ra nghi ngại về độ an toàn, “độ sạch” của game này và lo ngại nếu bị "cài đặt" game online vào trí não (game có chiến thuật, có tranh đua, có thu phí) thì sẽ có nhiều tác hại về lâu về dài. Anh An cũng cho rằng, là cơ quan quản lý, Bộ GD ĐT không nên có văn bản khuyến khích trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 10 tuổi chơi game online.

Phụ huynh này cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD ĐT sớm kiểm tra, làm rõ về việc các phần mềm game này có an toàn, lành mạnh để công bố cho phụ huynh được biết.

Trả lời PV Dân trí, ông Phạm Ngọc Thập, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup cho biết, cuộc thi này không phải vừa mới xuất hiện mà đã bước sang mùa thứ 3.

“Chinh phục vũ môn” là game giáo dục do công ty này phát hành, ra đời vào tháng 9.2011. Trong phần mềm “Chinh phục vũ môn” được thiết kế có 3 phần chính: Chơi game, phần học tập trực tuyến và tham gia cuộc thi “Chinh phục vũ môn” cũng như một số cuộc thi khác.

Tuy nhiên, người sử dụng sẽ phải trả phí qua thẻ cào ở trong trường hợp như: sử dụng các bài học đặc biệt nâng cao; luyện tập nâng cao thêm ngoài thi thì mua vé cào bằng hình thức nạp thẻ. Đơn vị này khẳng định, việc nộp phí là hoàn toàn tự nguyện.

img

Phần tán gẫu trong "Chinh phụ vũ môn" rất khó kiểm soát với học sinh, nhất là học sinh tiểu học.

Để tìm hiểu sâu hơn về game này có nguy hại như lời của phụ huynh Trọng An, theo thông tin từ Dân trí, họ đã lập account để đăng nhập vào phần mềm “Chinh phục vũ môn”. Kết quả khá ngạc nhiên bởi là trò chơi được cho là thuần Việt, kích thích trí tuệ trẻ em nhưng trong có rất nhiều mục không mấy thiết thực với trẻ em, nhất là với học sinh tiểu học. Chẳng hạn mục mua hàng có yêu cầu người chơi nạp thẻ mệnh giá 20.000 đồng trở lên. Ngoài ra, còn có các mục như: Tán gẫu, gọi nhau vào phòng thách đấu, chơi nhanh bằng cách đặt cược tiền với mệnh giá khác nhau (như ảnh chụp màn hình…

Về điều này, anh Trọng An chia sẻ: “Là phụ huynh, khi đưa con đến trường, tôi muốn con mình được học, được vui chơi lành mạnh với bạn bè, được học thêm kỹ năng sống. Tôi không muốn con mình bị dẫn dụ vào chơi ở 1 khu vườn có hoa thơm trái ngọt, nhưng xung quanh đầy cạm bẫy, thú dữ.

Tôi cũng không muốn con mình quen với con đường mà sau đó cháu có thể đến với đam mê tốc độ, thích bắn phá như trong những game như tôi đã nói ở trên. Tôi phản đối”!