Mở đường lên núi
Anh Hiệp giữ chắc tay lái, chạy chiếc xe máy cũ gằn ga lao vút theo con đường bê tông thẳng tắp lên núi Đán Lăn còn lẩn khuất trong sương sớm. Chuyện “Đội đá vá đường”, kẻ đốn cây, dời đá, người san lấp, làm nền hoàn thành được gần 600 mét đường vẫn luôn là câu chuyện ý nghĩa với người dân thôn Lăng Đán biết bao lần mỗi khi được nhắc tới.
Núi Đán Lăn địa hình chắc trở với nhiều dãy núi đá như một lòng chảo rộng lớn bao chọn lấy những triền cam trù phú. Đây là khu vực trọng điểm trồng cam của thôn, của xã với hơn 40 ha cam được 50 hộ dân trong xã trồng tập trung tại đây. Thiên nhiên ưu đãi ban cho núi Đán Lăn khí hậu mát lành với thổ nhưỡng phù hợp với cây cam sành bao nhiêu thì cũng thách thức sức người bấy nhiêu.
Ông Ma Thanh Hợp, người trưởng thôn kỳ cựu của Lăng Đán hồ hởi, đúng là “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, khi lòng dân đã thuận thì việc mở đường quả dễ dàng và nhanh chóng. Năm 2005, thôn cùng cán bộ địa chính xây dựng xã và 21 hộ dân nằm trong tuyến khảo sát điều chỉnh tuyến đường lên núi. Cả tuyến dài gần 600 mét, trong đó có hơn 300 mét đường dốc dựng đứng, nhiều đoạn đường hẹp, cong cua triển khai làm trước.
Năm đó mỗi hộ đóng góp 2 triệu đồng để mua xi măng, vật liệu xây dựng để làm tuyến đường này. Những triền dốc cao ngất cũng được hạ thấp hơn để bớt nguy hiểm. Sau này, khi nhà nước hỗ trợ xi măng theo tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm” người dân Lăng Đán có thêm cơ hội để hoàn thành toàn tuyến với gần 600 mét.
Đường bê tông đi qua vườn cam của người dân thôn Lăng Đán, xã Phù Lưu (Hàm Yên).
Có đường, khát vọng mở mang kinh tế như được nhân lên ý nghĩa hơn. Điểm tập kết cam với mặt bằng rộng chừng 400 đến 500 m2 được người dân hò nhau lại san bằng phẳng và chọn đặt tại vị trí trung tâm của thung lũng, ngay lưng chừng núi đón đúng điểm dừng của đường bê tông. Tại đây sản phẩm cam được tập kết với số lượng lớn và xe ô tô cũng bon bánh thuận tiện cất những chuyến cam ngay tại vườn đi tiêu thụ khắp nơi.
Anh La Văn Hiệp, thôn Lăng Đán phấn khởi khoe, trước vì đường khó mà lái thương trực ép giá cam, vài cân cam thì không đáng chứ vài trăm tấn cam mà giá bị thấp thì thiệt thòi cho bà con mình lắm. Chỉ tính nhẩm thôi, cũng thấy trăm cái thiệt từ việc chăm sóc cam, thu hái, gùi cam xuống núi giá cũng phải gấp rưỡi những nơi có địa hình thuận lợi hơn. Mặt đường mở rộng 3 mét, đảm bảo xe ô tô lên tới tận chân vườn, nhiều gia đình cũng “cắt” được luôn khâu thuê người gùi cam, tiện lợi vô cùng”.
Gọi là “mùa” làm đường bởi cứ dịp cuối năm, khi nông nhàn, người dân lại bắt tay mở đường mới, ban đầu là những con đường đất mở mới tại những khu chưa có lối đi. Đến sau này, khi người dân vững chắc hơn về điều kiện kinh tế là những con đường cấp phối đá dăm rồi tiến lên hơn là đường bê tông láng mịn.
Câu chuyện về làm đường trên núi đá, trong mù sương, giá lạnh hay nắng rát ở Phù Lưu cứ thế sôi nổi. Cứ như vậy, thôn Khuổi Nọi, Nặm Lương, Trò, Mường, Quang, Nà Có, Bản Ban những con đường nội đồng, đường vào khu vực trồng cam trung bình từ 300 mét đến 1 km được nhân lên từ sức mạnh đoàn kết, đồng thuận tin theo Đảng.
Nối thêm khát vọng làm giàu
Từ năm 2011 đến nay, Phù Lưu đã có hơn 50 km đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm, giao thông nội đồng được hoàn thiện nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Ông Đỗ Hữu Ước, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu chia sẻ, Nghị quyết 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020 là động lực giúp chính quyền và nhân dân Phù Lưu phấn đấu hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn.
Năm 2016, xã sẽ triển khai làm trên 3,9 km đường giao thông nội đồng, tập trung tại những xứ đồng sản xuất nông nghiệp và khu vực trồng cam tập trung của xã. Theo đề án, quy hoạch được duyệt xã tiếp tục hoàn thành trên 12 km đường nội đồng đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định.
Háo hức khi vừa nhận được xi măng hỗ trợ làm đường, những ngày này người dân thôn Trò đang tập kết vật liệu để chuẩn bị làm 2 tuyến đường vào cuối tháng 11-2016 dài 680 mét nối từ trục đường liên thôn ra tới cánh đồng Trò. Những năm 2013, 2014 thôn cũng làm hơn 400 mét đường nội đồng. Vì là tuyến thẳng nên chỉ duy có hộ ông Hoàng Văn Vinh hiến hơn 230 m2 đất để mở rộng nền đường. Ngay khi họp dân trong việc triển khai làm đường vào cuối năm, thôn thành lập tổ giám sát quản lý việc sử dụng xi măng đúng theo quy định, hoạch toán kinh phí xây dựng và xin ý kiến gần 50 hộ có ruộng tại 2 tuyến đường này đóng góp 600 nghìn đồng/sào đất ruộng để làm đường.
Chỉ tay về phía mặt bằng đang được hoàn thiện, ông Hoàng Đại Nghĩa, Trưởng thôn Trò cho biết: “Sang tới đầu năm 2017, thôn sẽ tiếp tục đăng ký làm hơn 200 mét đường nội đồng chạy qua khá nhiều thửa ruộng của bà con trong thôn bởi nền đường nhỏ hẹp nên có tới hơn chục hộ nhất loạt đồng tình hiến trên 600 m2 đất ruộng của gia đình để làm đường.
Hiện mặt bằng này đang được san phẳng sẵn sàng cho ngày khởi công”. Con số về những con đường có vẻ khô khan và còn ít so với số lượng lớn những tuyến cần thực hiện trong thời gian tới tại Phù Lưu nhưng là kết quả của lòng dân đồng thuận và cán bộ sâu sát, “ba cùng” với bà con trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Là “vựa cam” của huyện Hàm Yên, Phù Lưu hiện có hơn 2.500 ha cam và hàng trăm ha diện tích đất sản xuất lúa màu. Những tuyến đường lên những triền cam hay vươn ra những cánh đồng trù phú đã nối dài khát vọng làm giàu của người dân. Những con đường được mở mang xây dựng, thương hiệu cam sành cũng vì thế mà lan tỏa khắp mọi miền đất nước.
Tại Phù Lưu bây giờ tính sơ cũng có đến trên 40 tỷ phú “chân đất” đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/hộ/năm, thu nhập bình quân theo đầu người toàn xã đạt 2 triệu đồng/người/tháng. Nhiều căn biệt thự mọc lên, xe hơi, tiện nghi phục vụ sinh hoạt được người dân sắm sửa đủ đầy, 100% con em trong xã được đi học đúng độ tuổi. Những thành quả đạt được hôm nay, sẽ là động lực để Phù Lưu hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới vào năm 2020.