Dân Việt

Hội Nhạc sĩ VN né tránh: 82 tuổi, hãy đợi đấy!

23/08/2011 06:26 GMT+7
(Dân Việt) - Trường hợp không được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh về lĩnh vực âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên được nhiều nhà báo quan tâm, đặt câu hỏi về trách nhiệm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Chiều 22.8, rất đông nhà báo đã đến tham dự cuộc sinh hoạt định kỳ “Âm nhạc và báo chí” của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Câu chuyện về đợt xét tặng danh hiệu, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước đã trở thành đề tài tranh luận nóng hổi.

Từ nay đến thời điểm công bố Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước (dịp 2.9) thực sự không còn nhiều thời gian nữa, bởi vậy trường hợp không được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh về lĩnh vực âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên được nhiều nhà báo quan tâm, đặt câu hỏi về trách nhiệm của Hội Nhạc sĩ VN.

img
Ông Phạm Ngọc Khôi (đứng) đang trả lời những chất vấn của nhà báo.

82 tuổi, hãy đợi đấy!

Có mặt tại cuộc gặp gỡ, nhạc sĩ Văn Dung - Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nói: Với Giải thưởng Hồ Chí Minh, thì tôi cho rằng nhạc sĩ Phạm Tuyên là một trường hợp vô cùng xứng đáng. Chính vì vậy mà Hội Âm nhạc đã làm một công văn chưa hề có trong tiền lệ, đó là xin xét đặc cách giải cho nhạc sĩ Phạm Tuyên”.

Nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Lưu - hội viên Hội Nhạc sĩ VN cho biết: “Nếu tiêu chí xét Giải thưởng Hồ Chí Minh là cho những nhạc sĩ có đóng góp lớn cho vận động phong trào cách mạng và sự nghiệp giải phóng đất nước thì tôi xếp nhạc sĩ Phạm Tuyên vào vị trí số một, và bỏ cách 5 vị trí nữa mới có người thứ hai.

Từ bé đến khi trưởng thành, bao nhiêu thế hệ người VN đã lớn lên cùng với những ca khúc của ông, “Tiến lên đoàn viên”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Con kênh ta đào”, “Gửi nắng cho em”, “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”... Vậy thì cớ gì Hội Âm nhạc Hà Nội năm lần bảy lượt gửi công văn đề nghị xét đặc cách mà cả Hội đồng cơ sở và Hội đồng cấp Bộ đều bỏ qua trường hợp của ông?”.

Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi- Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN, thành viên Hội đồng cơ sở cho biết: “Hội Âm nhạc Hà Nội đã làm công văn gửi lên Bộ VHTTDL, đó là hội đồng cấp trên của chúng tôi, vậy thì chúng tôi chỉ là hội đồng cơ sở cấp dưới, chúng tôi không thể có ý kiến”.

Rất nhiều nhà báo không đồng tình với cách giải thích này và đặt câu hỏi: Hội Nhạc sĩ VN là hội nghề nghiệp nên phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho các hội viên, tại sao lại đứng ngoài cuộc, nhạc sĩ Phạm Tuyên năm nay đã 82 tuổi, liệu ông có thể chờ đợi 5 năm nữa cho lần xét tặng sau? Ông Khôi trả lời: “Hội Nhạc sĩ chúng tôi có rất nhiều hội viên trên 80 tuổi, và mọi người trong đợt xét giải này đều phải tuân thủ đúng thủ tục, làm hồ sơ để được xét duyệt”.

Loanh quanh và né tránh

Một vấn đề bức xúc khác là công văn của Hội Âm nhạc Hà Nội gửi lên Bộ VHTTDL, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN, Thành ủy và UBND TP.HN đã từ tháng 2.2011, vậy mà đến ngày 11.8, khi cuộc xét giải đã “hòm hòm” đâu vào đấy, Hội đồng xét giải cấp Bộ mới có công văn trả lời trường hợp nhạc sĩ Phạm Tuyên bị trượt do không làm đúng thủ tục. Trách nhiệm của Hội Nhạc sĩ VN ở đâu khi không trả lời sớm cho đề nghị của Hội Âm nhạc Hà Nội, để mặc cho hội địa phương này loay hoay tìm đường.

Nhạc sĩ Cát Vận - Chủ tịch Câu lạc bộ “Âm nhạc và báo chí” của Hội Nhạc sĩ VN cho biết: “Tôi xin hứa với các bạn, đến sáng thứ Tư ngày 24.8, Hội Nhạc sĩ sẽ có trả lời chính thức về việc Hội có động thái gì tác động về trường hợp của nhạc sĩ Phạm Tuyên vì hiện nay nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội đang đi vắng”.

Ông Khôi vẫn tiếp tục trả lời loanh quanh, né tránh trách nhiệm và đá quả bóng lên hội đồng cấp trên, ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Hội Âm nhạc Hà Nội đã gửi đơn lên cấp cao hơn, chúng tôi không được can thiệp”...

Trong khi trước đó, vào ngày 12.8, ông Nguyễn Hải Anh - Vụ trưởng Vụ Thi đua (Bộ VHTTDL) lại khẳng định: “Nếu muốn được xét, nhạc sĩ Phạm Tuyên phải làm hồ sơ gửi hội đồng cơ sở, Hội đồng cấp Bộ chỉ xét những hồ sơ mà hội đồng cơ sở đưa lên”.

Thế nhưng một vấn đề khác đặt ra, trường hợp của nhạc sĩ Phạm Tuyên được đề nghị xét đặc cách cho cống hiến cả cuộc đời hoạt động âm nhạc của ông, mà đã là đặc cách thì tại sao lại phải làm hồ sơ như những trường hợp bình thường khác thì ông Phạm Ngọc Khôi lại không giải thích được.