Dân Việt

SLNA và bài học cho bóng đá Việt

23/08/2011 10:48 GMT+7
(Dân Việt) - Thế là đã 10 năm, Việt Nam có giải bóng đá chuyên nghiệp. Sau 10 năm chập chững, người hâm mộ bây giờ đã tự tin phần nào khi biết rằng: Chỉ có tình yêu đích thực và thiết thực mới làm nên những vinh quang...

Khi SLNA vô địch V.League trong niềm hân hoan của những người hâm mộ xứ Nghệ, người ta mới nhận ra rằng: Việc xây dựng một nền bóng đá và coi nó là sân chơi của các ông chủ lớn là việc làm ngớ ngẩn khi mà thành tích của đội bóng và tình yêu của người hâm mộ lại càng tỷ lệ nghịch với nhau.

img
SLNA vô địch bằng tình yêu cuồng nhiệt và thiết thực của những người xứ Nghệ.

Sau vô địch là sự ghẻ lạnh

Sau hai mùa giải chuyên nghiệp đầu khi SLNA và Cảng Sài Gòn vô địch, bóng đá VN bước vào giai đoạn mà V.League là giải đấu của “những đồng tiền nhảy múa”. Những trang sử của bóng đá Việt Nam bị lật nhào, điên đảo khi các “đại gia” tham gia chơi bóng đá: Các cầu thủ Thái đến HAGL mang về 2 chức vô địch liên tiếp cho đội bóng phố núi (2003 - 2004).

Ngay sau đó, ĐTLA hai lần vô địch liên tiếp (2005 - 2006) bằng tiền của bầu Thắng, lại ngay sau đó B. Bình Dương vô địch hai lần liên tiếp (2007 - 2008) bằng tiền của Becamex, rồi hai đội bóng SHB. Đà Nẵng và Hà Nội T&T lần lượt vô địch bằng tiền của bầu Hiển.

Nhưng tâm lý của người hâm mộ VN thì có lẽ không bao giờ có thể yêu quý một đội bóng mà tên quê hương của họ đứng sau hoặc đứng ngang với một tên doanh nghiệp nào đó. Bóng đá chuyên nghiệp VN mới chỉ có 10 năm nay nhưng cái tâm lý ấy chắc còn được gìn giữ nhiều năm nữa.

Đội CĐV thương binh nặng của Sông Lam đã bỏ sân từ hồi tên đội bóng này đổi sang tên mới Pijico – SLNA. Khi ấy có bác thương binh đã nghẹn ngào: “Tụi tôi chiến đấu đến tàn tạ thân thể để nước mình giữ được tên Việt Nam độc lập, để mảnh đất Nghệ An là của người Nghệ An. Nay đội bóng Nghệ An đến cái tên còn không giữ nổi, hỏi bọn tôi còn đi cổ vũ làm chi?”.

Chính vì thế, đừng trách vì sao người hâm mộ lại ghẻ lạnh đội bóng của quê hương mình dù rằng nó đã đạt được những kỳ tích chưa từng có trong lịch sử. Dù vô địch 2 năm liền, dù là đội bóng mạnh nhưng tiền vé của sân Long An mỗi khi đội nhà ĐTLA thi đấu lại không đủ bù tiền điện – việc xuống hạng năm nay của họ là hợp lý khi không được lòng dân…

Hà Nội T&T thì vô địch trong sự cổ vũ thưa thớt của những “CĐV ăn lương”. Ở hạng Nhất, khi “Gạch men” Nam Định cùng “Bia” Huế xuống hạng Nhì, chả thấy mấy CĐV đớn đau cùng cực nữa, bởi: “Bia với Gạch có phải quê hương mình đâu?”.

Đừng động đến niềm kiêu hãnh

Trong suốt mùa giải năm nay, sắc vàng Sông Lam đã dần phủ kín khán đài, lại thấy những chiếc xe lăn của hội CĐV thương binh nặng xuất hiện gần đường piste… SLNA đã trở lại cái tên kiêu hãnh của mình bằng tình yêu đặc biệt của chính một người xứ Nghệ.

Thực tế, SLNA mùa này đã nhiều lần chùng xuống vì sợ sức ép vô địch. Nhưng chính tình yêu cuồng nhiệt của người xứ Nghệ khi lấy lại được niềm kiêu hãnh mang tên SLNA đã kéo đội bóng lên và đi đúng hướng.

Bà Thái Hương - Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á là người Nghệ, khởi nghiệp ngay trên xứ Nghệ. Khi “đỡ đầu” cho đội bóng quê hương thì cái tên Bắc Á hoàn toàn có thể đứng cùng với tên đội bóng nhưng bà Hương đã không làm thế. Và cũng vì chuyện này mà niềm kiêu hãnh xứ Nghệ đã thức dậy sau 10 năm. HLV Hữu Thắng, “thằng béo” Văn Quyến, “con nghiện” Hồng Việt trở về dưới màu cờ sắc áo Sông Lam cùng với lứa Trọng Hoàng, Văn Hoàn… đã viết nên một trang mới, mở ra một hướng đi mới cho bóng đá Việt Nam sau 10 năm lận đận trên con đường chuyên nghiệp.

Trong hoàn cảnh hiện tại, việc một CLB bóng đá Việt Nam đứng độc lập và tự nuôi mình là điều không tưởng. Các CLB ấy phải sống bằng tình yêu và sự hy sinh của các ông chủ lớn vì đơn giản: Làm bóng đá VN là không thể có lãi… Nhưng tha thiết xin các đại gia hãy hy sinh hơn nữa vì sự phát triển của bóng đá VN. Và hãy học SLNA: Họ đã có những tình yêu cuồng nhiệt và thiết thực cần thiết cho cuộc chơi V.League đang ở thời kỳ “quá độ”...