Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều
Ngày 9.12 Bộ LĐTBXH đã có tờ trình Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động 2012. Ông Nguyễn Bá Hoan - Chánh văn phòng Bộ LĐTBXH cho biết, dự thảo luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định trong 3 nhóm nội dung và 11 chủ đề. Một nội dung sửa đổi được dư luận quan tâm trong thời gian qua đó là tăng tuổi nghỉ hưu.
Do còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này nên dự thảo luật được Bộ LĐTBXH trình 2 phương án để xin ý kiến Chính phủ. Một là giữ như bộ luật hiện hành, tuổi nghỉ hưu của nam là 60 và nữ là 55. Hai là tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 58 và tăng từ từ mỗi năm 3 tháng. Để tránh gây “sốc” trong việc bố trí và sử dụng lao động, một số ngành độc hại, lao động đặc thù được giữ nguyên tuổi nghỉ hưu.
Một số ngành nghề lao động nặng nhọc, lao động độc hại sẽ giữ nguyên tuổi nghỉ hưu. (Lao động chế tạo máy cơ khí tại doanh nghiệp ở Bà Rịa - Vùng Tàu). ảnh: Minh Nguyệt
Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, thành viên tổ soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng khẳng định, nhất định phải tăng tuổi nghỉ hưu bởi Việt Nam đang bước vào quá trình dân số kép (vừa trong độ tuổi vàng lại chuẩn bị già hóa) nên cần tận dụng cả lao động trẻ lẫn lao động già. Mặt khác cũng cần tính đến sự bền vững của Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH). Qua 3 lần khảo sát thấy Quỹ BHXH đang mất cân đối, vì vậy việc điều chỉnh chính sách là cần thiết.
“Quan điểm chung của Bộ LĐTBXH là điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ. Thứ hai là giữ nguyên tuổi nghỉ hưu với những lao động đang làm các ngành độc hại, lao động suy giảm sức khỏe lao động, lao động ở vùng sâu vùng xa, hải đảo. Việc điều chỉnh sẽ thực hiện từng bước, với từng ngành nghề” - ông Huân nói.
Theo ông Huân, Bộ luật Lao động ban hành năm 1994 và đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung, lần gần đây nhất là năm 2012. Tuy nhiên, quá trình áp dụng đã xuất hiện nhiều bất cập, hạn chế từ thực tiễn thi hành. Nhiều doanh nghiệp, người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng và công đoàn đã phản ánh nhiều vướng mắc liên quan tới vấn đề tiền lương, thời giờ làm việc, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và đình công…
“Ai có tài... xin mời làm tiếp”
Tăng tuổi nghỉ hưu là một nội dung lớn đã được đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo luật nhưng chưa được Quốc hội thông qua. Bộ LĐTBXH đã 3 lần đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Lần đầu tiên vào năm 2007 trong lúc ban hành Luật Bình đẳng giới, lần thứ hai là lúc sửa Luật Lao động năm 2012, lần thứ 3 là lúc soạn thảo Luật BHXH năm 2014. Cả 3 lần Chính phủ có đề xuất đều bị Quốc hội bác bỏ. |
Sở dĩ, phương án tăng tuổi nghỉ hưu có không ít ý kiến phản đối vì cho rằng việc nghỉ hưu ở độ tuổi như hiện tại là hợp lý. Một lý do quan trọng hơn là đội ngũ những người hưởng lương từ ngân sách hiện còn lớn; chất lượng nguồn nhân lực còn yếu kém… nên nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu mà không tính toán đến việc “xốc” lại những yếu kém đang tồn tại thì cũng chỉ làm mọi vấn đề trở nên rắc rối, trầm trọng hơn.
Lao động Nguyễn An Khánh (Bình Thuận) bức xúc: “Đề nghị không tăng tuổi nghỉ hưu, giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như trước tới nay là hợp lý. Ai có tài thì mời ở lại làm việc tiếp, ai không có khả năng thì xin cho nghỉ sớm”.
Trong khi đó, nhiều lao động khác phân tích và cho rằng, tuổi nghỉ hưu tăng lên 62 tuổi đối với nam và 58 tuổi đối với nữ, cộng thêm từ năm 2018 Bộ LĐTBXH đã yêu cầu đóng BHXH trên tổng thu nhập là không công bằng với người lao động. Số tiền đó mà gửi ngân hàng có khi còn nhiều hơn cả tiền lương hưu.
Còn anh Phạm Tuấn Anh ở Cầu Giấy, Hà Nội thì cho rằng: “Nếu thử đưa ra phương án kéo dài tuổi hưu nhưng không cho kéo dài thời gian giữ chức vụ quá 55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam xem có ai sẵn sàng làm chuyên môn thuần túy không?”.
Trong khi đó, ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân - công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, có nhiều cách để khuyến khích người già làm việc, cống hiến tiếp mà không cần phải tăng tuổi nghỉ hưu. “BHXH Việt Nam và Bộ LĐTBXH đặt vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu do lo ngại mất cân đối trong quỹ hưu trí hay tận dụng chất xám của lao động kỹ thuật cao, tôi thấy chưa thật thuyết phục. Số này chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu lao động. Còn về vấn đề mất cân đối quỹ hưu trí, đó là bài toán hạch toán của BHXH, không thể vì vậy mà tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt” - ông Thọ nêu quan điểm.
Nhiều ý kiến cho rằng, với chất lượng nguồn nhân lực hiện tại, quá nhiều người làm việc không hiệu quả mà lại tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với việc kéo dài thêm sự trì trệ.
Dự án Luật Lao động sửa đổi đang tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi. Dự kiến tháng 1.2017 Bộ LĐTBXH sẽ trình Thủ tướng Chính phủ và tháng 4.2017 sẽ trình Quốc hội xem xét, góp ý.