Dân Việt

Những con đường của ý Đảng - lòng dân ở Sơn La

Lê Tuấn 13/12/2016 13:45 GMT+7
Hơn 5 năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), mỗi địa phương, cơ sở của tỉnh Sơn La đã lựa chọn cách làm thiết thực, hiệu quả, phù hợp thực tế.

img

Bà con bản Liềng, xã Mường Bằng (Mai Sơn) bê tông hóa đường liên bản

Điểm nổi bật là Sơn La đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò cán bộ, đảng viên và tạo được sự đồng thuận của nhân dân.

Chủ trương hợp lòng dân

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông rộng, quang đãng dài gần 3,5km đi qua 6 bản, 2 trường học và nhiều diện tích canh tác lúa ruộng, cà phê, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn Phạm Văn Khánh, phấn khởi nói: "Để làm con đường này, ngoài hỗ trợ xi măng của Nhà nước, bà con 6 bản đã đóng góp gần 2 tỷ đồng, hiến trên 10.000m2 đất và hàng nghìn ngày công lao động, chung sức đồng lòng hoàn thành tuyến đường trong thời gian nhanh nhất.

Có thể khẳng định đây thực sự là con đường Nhà nước và nhân dân cùng làm, con đường của ý Đảng - lòng dân".Không riêng xã Chiềng Ban, hơn 5 năm qua, với quan điểm chỉ đạo của tỉnh thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM phải bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, trong đó nhiều cơ sở đã lựa chọn, ưu tiên lấy đường giao thông nông thôn là khâu đột phá.Tuy nhiên, để được người dân ủng hộ là không dễ dàng, đặc biệt ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao khi bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Nhiều xã, bản khi thấy huy động đóng góp làm đường bê tông, không ít hộ không đồng tình, có hộ còn yêu cầu phải đền bù nếu làm đường vào đất nhà mình.Cấp ủy, chính quyền đã quyết tâm vào cuộc, ở những nơi khó khăn, chi bộ các bản đã phân công từng đảng viên không kể sớm tối đến từng nhà nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng hộ, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, lợi ích chương trình xây dựng NTM, làm đường bê tông. Cùng với đó cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu.

Và rồi “mưa dầm thấm lâu”, bà con đã đồng thuận rất cao, nhất trí tham gia đóng góp tiền, vật liệu, ngày công lao động và tự giải phóng mặt bằng để bê tông hóa đường giao thông nội bản.

Chính sách đi vào cuộc sốngĐiểm nổi bật trong hơn 5 năm qua, là tỉnh Sơn La đã ban hành và triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn. Việc huy động được các xã công khai, minh bạch, mọi việc người dân đều được biết, được bàn, được làm và kiểm tra.Qua đó, phong trào “Chung tay xây dựng NTM” đã phát huy hiệu quả, khẳng định chủ trương, chính sách xây dựng NTM của Đảng, Nhà nước đã thực sự đi vào cuộc sống, huy động được nguồn lực to lớn trong nhân dân, bà con đều đồng lòng hưởng ứng, tự nguyện đóng góp sức người, sức của vào phong trào làm đường.

img

Đường giao thông nông thôn ở xã Chiềng Sung (Mai Sơn) được bê tông hóa

Xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu vừa được công nhận xã đạt chuẩn NTM. 5 năm qua, ngoài kinh phí hỗ trợ 42,2 tỷ đồng của Nhà nước, Chiềng Pằn đã huy động các cơ quan, doanh nghiệp ủng hộ xây dựng NTM 11 tỷ 845 triệu đồng, nhân dân đóng góp 6 tỷ 228 triệu đồng, hiến gần 30.000m2 đất, hàng trăm cây ăn quả lâu năm và hàng nghìn ngày công lao động.

Đến nay, Chiềng Pằn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 6,1km đường nhựa và bê tông hóa đường liên bản tuyến Chiềng Phú - bản Thàn; tuyến đường bản Tô Pang, tuyến đường từ quốc lộ 6 vào trường THCS và từ quốc lộ 6 vào Trạm Y tế xã, bê tông hóa 16,8km các đường nội bản.Bí thư chi bộ bản Sốp Sạng Lò Văn Cửa cho hay, cách làm của bản là cùng với tuyên truyền, vận động nhân dân thì đảng viên trong chi bộ tiên phong làm trước. Sau khi thống nhất cao, chi bộ ra nghị quyết chuyên đề về chủ trương làm đường. Đóng góp của bà con phải rõ ràng, đảng viên và nhân dân cùng tham gia giám sát quá trình triển khai, bảo đảm chất lượng công trình. Đến nay, toàn bộ đường nội bản đã cơ bản được bê tông hóa.

Cũng như Chiềng Pằn, xã Mường Bú, huyện Mường La đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và huy động sức dân. Trong đó điển hình là bản Nang Phai. Bản có tuyến đường nội bản dài hơn 500m từ chỗ là đường đất rộng chưa đến 1,5m đã được bê tông hóa rộng 3m, hai bên có rãnh thoát nước, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường mà xe tải trọng 10 tấn có thể ra vào thu mua nông sản.

Nhưng để bê tông hóa tuyến đường cũng là cả quá trình tuyên truyền, vận động, nhất là khi có hộ thắc mắc đường cả bản cùng đi mà chỉ những hộ ở hai bên phải nhường đất, rồi kiến nghị xã bồi thường, hỗ trợ. Khó khăn là thế, nhưng chi bộ bản Nang Phai đã biết phát huy vai trò đảng viên trong tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận từ chính các thành viên trong gia đình rồi mới đến bà con dân bản.

Điển hình là ông Đèo Văn Thưởng đã hiến gần 350m2 trong tổng số 700m2 đất của gia đình. Là đảng viên, ông Thưởng chia sẻ: "Mình gương mẫu làm trước để bà con làm theo. Mỗi người đóng góp một ít vì lợi ích cộng đồng để có đường đi lại thuận tiện hơn. Bởi không chỉ có đời mình, mà con cháu mình và mọi người sau này đều được hưởng lợi từ con đường và đó là việc ai cũng nên làm".

Bản Nặm Giắt, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, nơi có gần 120 hộ, 100% đồng bào dân tộc Mông. Được biết hai năm trước 150m đường vào bản vẫn chỉ là đường đất, mùa mưa trâu bò đi lại lầy lội, mất vệ sinh môi trường.

Mặc dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn, vậy mà chỉ qua một lần tổ chức họp dân tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM, mấy chục hộ dân hai bên đường đã tự nguyện dỡ hàng rào lùi vào.Đồng thời, bà con còn tự khai thác đá, đóng góp vật liệu, góp công đổ bê tông làm đường và sân nhà văn hóa bản.