Dân Việt

Trạm phí BOT gây bức xúc: Quyền lợi người dân bị xâm lấn

Vinh Hải 14/12/2016 06:25 GMT+7
Sau những bức xúc của người dân, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhiều dự án BOT đã tiến hành giảm phí. Tuy nhiên, những trạm thu phí được coi là đặt ở vị trí bất hợp lý vẫn “bất di bất dịch”.

Người dân không có sự lựa chọn

Thông tin từ Bộ GTVT cho hay, tính đến hết tháng 11 đã có 23 dự án BOT tiến hành giảm phí sau khi có chỉ đạo của Chính phủ. Việc giảm phí được thực hiện ở các trạm BOT ở QL1, QL5, QL51 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Trước đó, Chính phủ đã ra nghị quyết yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính chỉ đạo tiếp tục giảm phí BOT tối thiểu ở 19 trạm thu phí trong năm 2016. Từ tháng 8, Chính phủ đã yêu cầu giảm phí từ 10-15% ở 45 trạm thu phí nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Thế nhưng việc giảm phí chưa thể giải quyết hết bức xúc của người dân, thậm chí còn làm bùng phát những xung đột quyền lợi khác.

img

Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội), nơi từng xảy ra nghi vấn về tính minh bạch trong hoạt động thu phí của nhà đầu tư. Ảnh: Ngọc Thắng

Câu chuyện người dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) dàn ôtô để phản đối ở trạm thu phí Cầu Bến Thủy 1, 2 là ví dụ rõ nét nhất. Trước khi tiến hành giảm phí 5.000 đồng/lượt với 2 nhóm phương tiện, trạm thu phí Cầu Bến Thủy 1, 2 là một trong số những trạm đã áp dụng mức thu phí trần với các nhóm phương tiện. Sau khi tiến hành giảm phí thì việc hỗ trợ về mức phí BOT cho người dân sống quanh khu vực trạm thu phí đã không còn. Điều này khiến người dân bức xúc, nhiều lần phản đối chủ đầu tư.

TS Nguyễn Hữu Hiểu - Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cho rằng: “Bên cạnh lợi ích, việc vận hành khai thác các dự án BOT giao thông đường bộ đã bộc lộ một số vấn đề. Nguyên nhân do công tác điều hành chứ không phải do bản chất của hình thức đầu tư BOT”. Cụ thể, không ít đường độc đạo được các cơ quan có thẩm quyền ký hợp đồng cải tạo, nâng cấp theo hình thức BOT mà không công khai, minh bạch việc đánh giá là nên áp dụng BOT hay sử dụng vốn ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ.

“Kết quả là người dân phải trả phí cho những tuyến đường trước kia được miễn phí. Nguyên tắc thị trường bị vi phạm do người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài sử dụng đường và đóng phí BOT. Quyền lợi người dân bị xâm lấn, có lẽ đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bức xúc trong dư luận thời gian qua về dự án BOT” – TS Hiểu cho hay.

Theo TS Hiểu, hợp đồng BOT được ký kết giữa một bên là Nhà nước (đại diện cho quyền lợi của đa số người dân) với một bên là nhà đầu tư. Do đó, sự đồng thuận được hiểu là người sử dụng dịch vụ (người dân, người trả tiền) phải có sự lựa chọn. Cơ quan nhà nước phải đứng về phía quyền lợi của người dân để đánh giá, lựa chọn các công trình đầu tư theo hình thức BOT.

Cần có sự điều chỉnh

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký triển khai kế hoạch kiểm toán năm 2017, trong đó nhấn mạnh đến việc thanh kiểm tra các dự án giao thông BOT. Theo đó, 20 dự án trọng tâm sẽ được thanh tra trong kế hoạch như: Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn Km1063+877-Km1092+577, tỉnh Quảng Ngãi; Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh QL1 và tăng cường mặt đường QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL38 đoạn nối QL1 với QL5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương...

Tại hội thảo khoa học về vai trò của Kiểm toán Nhà nước với công trình BOT giao thông được tổ chức gần đây, thạc sĩ Ngô Văn Quý – Trưởng kiểm toán chuyên ngành IV, Kiểm toán Nhà nước đã thẳng thắn cho rằng, việc các nhà đầu tư được lựa chọn cầu đường độc đạo, đầu tư thêm dự án cải tạo trên quốc lộ để đặt trạm thu phí cho đường tránh là mang tính chất “độc quyền”. “Các dự án đường tránh thành phố thường xin được đầu tư cải tạo thêm 5 – 10km trên quốc lộ rồi đặt trạm thu phí từ quốc lộ. Ai không đi đường tránh nhưng đi qua đoạn cải tạo cũng phải nộp tiền, điều này gây bức xúc cho người dân” – ông Quý cho hay.

Còn TS Lưu Trường Kháng – Phó Trưởng Kiểm toán chuyên ngành  IV, Kiểm toán Nhà nước cho rằng: “Việc bố trí khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70km với sự đồng thuận của các địa phương. Đây là quy định không chặt chẽ, là kẽ hở tạo điều kiện cho mật độ thu phí dày đặc thêm”.

Ở các dự án BOT sắp thu phí trong thời gian tới, vẫn còn tình trạng chủ đầu tư thực hiện xây mới một tuyến và “cải tạo, nâng cấp” tuyến cũ. Nghĩa là người dân không còn sự lựa chọn đi đường không trả phí.

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô cho rằng việc các trạm thu phí đặt chốt chặn trên cả đường cũ và đường mới không phải là “yếu tố lịch sử”. “Khi Nghị định 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Quỹ Bảo trì đường bộ quy định thu phí theo đầu phương tiện có hiệu lực, các trạm thu phí trong hệ thống đường bộ cũ đã được xóa bỏ. Sau đó, nhà đầu tư xây dựng đường cao tốc hay cải tạo, mở rộng lại đường cũ là lập trạm thu phí BOT mới. Các dự án sắp tới thu phí, chúng tôi kiến nghị rằng đã đầu tư đường cao tốc, đường mới thì phải để nguyên đường cũ cho người dân đi, thu phí BOT không được thu đường độc đạo” – ông Thanh cho hay.

TS Nguyễn Hữu Hiểu cũng đề nghị: “Cơ quan thanh tra, kiểm toán cần kiên quyết kiến nghị dỡ bỏ hoặc điều chỉnh trạm thu phí xâm lấn lợi ích người dân. Như trạm thu phí ở đoạn đường không làm BOT hay đặt trạm thu phí ở nơi người dân không sử dụng đường vẫn phải nộp phí BOT”./.