Cuộc sống ở mức tối thiểu
Theo kết quả khảo sát tình hình nữ công nhân và phụ nữ nhập cư đang sinh sống tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội) tiến hành vào tháng 11.2016, hơn 80% số người tham gia khảo sát cho biết công việc hiện nay mang tính thủ công không giúp họ có một ngành nghề ổn định sau khi nghỉ việc. 53,3% số phụ nữ được hỏi cho biết không thích công việc hiện tại và mong muốn chuyển sang công việc bền vững hơn. 75% trong tổng số tham gia khảo sát bày tỏ mong muốn được bắt đầu công việc kinh doanh để ổn định thu nhập...
Bà Dương Thị Hoa – cán bộ Chương trình phụ trách dự án (LIGHT), người trực tiếp tham gia khảo sát nữ lao động nhập cư cho biết, đời sống của họ gặp nhiều khó khăn, lương thấp, chi tiêu khó khăn. Nhiều lao động đi làm nhưng phải gửi tiền về cho bố mẹ, hoặc trả các khoản nợ từ ngày vay đi học hoặc gửi tiền về quê nuôi con, vì vậy mà mức lương nhiều khi không đáp ứng đủ mức sống tối thiểu của họ.
Cuộc sống của nữ lao động di cư đang dừng ở mức sống tối thiểu (chụp tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Minh Nguyệt
Bà Hoa cũng cho biết, do không có người nhà bên cạnh nên nhiều người dễ sa vào cờ bạc rượu chè, bị mất cắp, bị cướp… Nhiều lao động trong thời gian thử việc 3 tháng thì không có bảo hiểm y tế, nên khi ốm đau không được chăm sóc hoặc tốn quá nhiều chi phí điều trị, khiến họ dễ rơi vào cảnh nghèo đói.
Chị Nguyễn Thị Nga (quê Lào Cai) đang làm việc tại Công ty Sakura ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội, cho biết, lương thấp, công việc vất vả, nhiều thời gian khiến chị không có thời gian đi học nâng cao tay nghề. “Lương của em mỗi tháng được 5,5 triệu đồng, nhưng em phải gửi về cho gia đình 2 triệu, tiền ăn thuê nhà và sinh hoạt phí một tháng cũng hết hơn 2 triệu, nhiều tháng ốm đau, đình đám thì chưa cuối tháng đã hết tiền lương” - Nga tâm sự.
“Tăng lực” để ổn định cuộc sống
Dự án “Hỗ trợ việc làm bền vững và xây dựng cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại TP.Hà Nội” được thực hiện trong 34 tháng, với kinh phí hơn 13 tỷ đồng. Đối tượng hưởng lợi của dự án là nữ lao động công nhân nhập cư ở Đông Anh (Hà Nội) có tuổi đời từ 18-30 tuổi. |
Bà Nguyễn Thị Thanh tâm – Chủ tịch Hiệp hội phụ nữ huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, toàn xã Kim Chung có hơn 30.000 dân thì có tới 18.000 dân là người nhập cư - trong đó hơn 60% là nữ. “Toàn Khu công nghiệp Bắc Thăng Long ở huyện Đông Anh có khoảng 51.000 công nhân lao động, hầu hết đều đến từ các tỉnh khác, chỉ có khoảng 10% là người bản địa. Đời sống của công nhân lao động gặp rất nhiều khó khăn về thu nhập, nơi ăn, ở, học hành của con… Biết được điều này, địa phương cũng đã có những chính sách hỗ trợ về nhà trọ giá rẻ, hỗ trợ cho con công nhân tới trường. nhưng vì có quá đông công nhân lao động mà nguồn lực của địa phương còn hạn chế nên kết quả còn khiêm tốn”.
Nhận thấy thực trạng này, cuối tháng 11.2016 vừa qua, UBND TP.Hà Nội đã quyết định thực hiện dự án hỗ trợ việc làm bền vững và xây dựng cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại TP.Hà Nội”. Dự án được triển khai làm điểm ở huyện Đông Anh, Hà Nội.
Mục tiêu của dự án là mang đến các cơ hội việc làm, cơ hội tham gia khóa đào tạo kỹ năng làm việc, tự kinh doanh cho các nữ thanh niên đang sinh sống tại Đông Anh. Đồng thời, dự án cũng đặt mục tiêu xây dựng một cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư qua việc tư vấn nhằm làm giảm thiểu nguy cơ bạo lực giới và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ về nhà ở an toàn, tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục.
Chị Phan Thị Thu Hà ở thôn Nhuế (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) rất vui mừng vì được tham gia lễ khởi động dự án. Chị cho biết, do kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn (hai vợ chồng nuôi 3 đứa còn mà tổng thu nhập chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng) nên chị mong muốn tìm việc làm thêm để tăng thu nhập.
“Tôi đang dự định sẽ bán hàng trên mạng, tuy nhiên làm thử thấy cũng khó nên việc buôn bán chưa được nhiều. Hiện tại, tôi đã đăng ký lớp học miễn phí về bán hàng và marketing do Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long dạy để nâng cao kỹ năng bán hàng. Hy vọng, nghề phụ sẽ giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống” - chị Hà nói. /.