Dân Việt

“Kiện tướng trồng mía”

Thanh Duy 15/12/2016 13:45 GMT+7
Gắn bó với nghề trồng mía gần 40 năm, lão nông Võ Ngọc Sẻ (57 tuổi), ở ấp Tân Phú B2, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, không ngừng tìm tòi, học hỏi kỹ thuật trồng những giống mía mới. Với mong muốn tìm được giống mía tối ưu nhất phù hợp với vùng mía nguyên liệu của quê hương.

img

Ông Sẻ (áo sọc ngoài cùng) sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những người có nhu cầu làm giống mía mới.

8 năm trước, khi giống mía Hòa Lan Tím bị lão hóa, năng suất, chữ đường không cao, giá cả lại bấp bênh đã khiến cho kinh tế gia đình ông Sẻ rơi vào cảnh chật vật. Thay vì như nhiều nông dân ở địa phương bỏ mía chuyển sang cây trồng khác, thì ông đi học hỏi nhiều nơi, quyết tâm tìm giống mía mới để sản xuất với mong muốn cải thiện thu nhập. Rồi một lần tình cờ được người bà con giới thiệu, ông Sẻ tham gia vào CLB 200 tấn/ha (CLB 200) của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ.

Tại đây, ông được cán bộ khuyến nông trong CLB tập huấn kỹ thuật, đi tham quan học hỏi mô hình trồng mía giống mới của thành viên ở tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng… Từ đó, ông bắt đầu trồng thử các giống mía như: U Thông, Su 7, QĐ11… Năng suất những giống mía dù đạt từ 15-20 tấn/công, nhưng vẫn khiến lão nông này chưa hài lòng. Vì thế, niên vụ mía 2016, ông Sẻ tiếp tục áp dụng giống K92 được nhân giống từ trại thực nghiệm Hiệp Hưng để trồng nhằm cho hiệu quả cao.

Với sự cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, vụ này, mỗi công mía ông thu hoạch hơn 22 tấn, cao hơn giống K92 trồng ở nơi khác từ 2-3 tấn/công. Với giá bán ở mức 1.050 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, 15 công mía mang về cho gia đình ông lợi nhuận gần 200 triệu đồng.

Miệt mài với những giống mía mới, không chỉ giúp gia đình ông Sẻ cải thiện thu nhập, mà ông còn đúc kết được nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm trong canh tác mía. Ông Sẻ cho biết: Để có được kỹ thuật canh tác mía như hôm nay, tôi đã học qua anh em đi trước, qua sách báo và các chương trình khuyến nông trên tivi, từ đó áp dụng vào thực tiễn. Sản xuất giống mía mới đòi hỏi quá trình trồng phải ghi chép sổ sách cẩn thận, từ chủng loại, liều lượng phân bón sử dụng, đến từng giai đoạn phát triển của cây mía.

Sau mỗi mùa vụ đều có đánh giá nên từ đó rút được nhiều kinh nghiệm cho từng loại giống. Trung bình mỗi loại giống mía, gia đình chỉ sản xuất từ 2-3 vụ, khi đánh giá được những ưu, khuyết điểm có thể nhân rộng được cho bà con thì sẽ tiếp tục trồng thí điểm giống mía khác.

Bên cạnh tập trung canh tác nâng cao thu nhập gia đình, ông Sẻ còn hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con ở địa phương làm theo. Tính riêng tại ấp Tân Phú B2, vụ mía này có hơn chục hộ dân trồng giống mía mới do ông Sẻ giới thiệu, với diện tích gần 3ha. Với sự nỗ lực, nhiệt tình của mình, ông Sẻ được các thành viên tín nhiệm bầu làm phó chủ nhiệm CLB 200. Nhiều năm liền ông được Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ công nhận đạt thành tích xuất sắc trong phong trào trồng mía, đặc biệt ông được tặng Kỷ niệm chương “Kiện tướng trồng mía xuất sắc” vào năm 2015.

Chị Trần Ngọc Bảy, cán bộ khuyến nông xã Tân Phước Hưng, cho biết: “Ông Sẻ là một nông dân cần cù, chịu khó, luôn nỗ lực để phát triển cây mía dù những năm qua giá cả có bấp bênh. Ông không chỉ sản xuất giỏi làm giàu cho gia đình mình, mà còn chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ cho bà con nông dân lân cận”.

Ông Sẻ cho biết, nỗ lực phấn đấu của bản thân thời gian qua chỉ có 2 mục đích chính. Thứ nhất, là tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, kế đến là nghiên cứu tìm ra những loại giống mía có năng suất ổn định, chữ đường cao để nhân rộng cho bà con. Nhưng để làm được điều này thì bản thân ông phải gương mẫu làm trước, để người dân nhìn vào đó tin tưởng mà làm theo. Trên thực tế nhiều giống mía mà gia đình ông sản xuất thời gian qua đã được nhân rộng cho các thành viên CLB 200.

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Thời gian qua, những giống mía như: Hòa Lan Tím, ROC16 bắt đầu lão hóa, năng suất đạt không cao. Chính vì thế mà nông dân ở nhiều nơi đã tìm tòi nghiên cứu nhiều giống mía mới để thay thế cho những giống mía cho năng suất thấp và ông Võ Ngọc Sẻ là một điển hình.

Những năm qua, ông được Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ chuyển giao cho nhiều giống mía chất lượng cao. Với kinh nghiệm sản xuất của mình, ông đã áp dụng vào thực tiễn và nhân rộng được những giống mía này, góp phần cùng ngành nông nghiệp huyện chuyển dịch cơ cấu giống mía, cân đối thời gian thu hoạch cho các nhà máy đường khi vào vụ ép.

Với những thành công ở những vụ trước, vụ mía 2017 này, cũng với diện tích 15 công mía, ông Sẻ dành một nửa diện tích trồng giống K92, phần còn lại trồng giống mới Sunphanburi của Thái Lan. Đây là giống mía ông trồng thử nghiệm lần đầu tiên với hy vọng tiếp tục gặt hái được nhiều thắng lợi.