Bộ ba góp công lớn làm nên ngôi vô địch quốc gia đầu tiên của SLNA mùa giải 2000-2001 trong vai trò lãnh đạo, quản lý gồm có Nguyễn Hoàng Thụ (Giám đốc Sở TDTT), Nguyễn Hồng Thanh (Trưởng đoàn) và Nguyễn Thành Vinh (HLV trưởng).
Ngoài những phẩm chất nổi trội kết hợp được với nhau để đi đến thành công của mô hình đào tạo trẻ và CLB bóng đá, bộ ba này cũng bộc lộ những điểm đối chọi nhau, dần dà đi đến chỗ “ba hổ không thể chung một chuồng”.
Ba người đã đi ba ngả khác nhau: ông Thụ dùi mài để có tấm bằng tiến sỹ về bóng đá lứa tuổi mầm non; ông Vinh gặp nạn sau đó và trở lại nghiệp cầm quân nhưng không mấy thành công; ông Thanh cũng ra đi, không thành công nhưng được gọi trở lại SLNA để có ngày 21.8 vừa qua trên sân Vinh nghẹt thở với ngôi vô địch V.League 2011.
Sở dĩ phải nói dài dòng như vậy bởi thành công của SLNA trong quá khứ không phải công lao của một người. Và giờ đây, khi SLNA lấy lại ngôi vua, đội bóng đã phải trả giá rất nhiều sau những hy sinh, khốn khó của không chỉ một người.
Nguyễn Hồng Thanh tất nhiên nằm trong số người đó, nghĩa là để có được thành quả hôm nay, người đứng mũi như ông đã rơi bao mồ hôi, nước mắt…
Ông Nguyễn Hồng Thanh là một người tâm huyết với bóng đá xứ Nghệ |
Trận đấu làm tan rã đội bóng, tan rã bộ ba nói trên và một loạt cầu thủ ra đi sau đó ( SLNA gặp Thể Công ở bán kết Cúp QG năm 2004) chấm dứt thời kỳ đỉnh cao của đội bóng xứ Nghệ và dẫn tới quyết định…dỡ ra để làm lại!
Ấy là một cuộc họp ở tỉnh, nơi quan khách, lãnh đạo CLB và phóng viên được nghe kể lại diễn biến trận đấu, nghe các ý kiến phản ứng gay gắt của đại biểu và cuối cùng là kết luận của chủ trì cuộc họp. Nguyễn Hồng Thanh đón nhận ý kiến kết luận trong sự bất ngờ và bất lực: bàn giao nhiệm vụ!
Người viết bài này có mặt trong cuộc họp đó, tất nhiên không thể bằng lòng với cách thua vớ vẩn của SLNA nhưng không ngờ diễn biến câu chuyện lại nhanh chóng đến thế. Trời đổ mưa, ông Thanh dừng lại trú mà thực ra ông không còn đất đứng sau hàng chục năm trụ vững ở đất này. Tôi bắt tay ông, không thể nói được điều gì lúc ấy.
Tiếng là “Khổng Minh xứ Nghệ” nhưng có lẽ mưu lược của con người này tập trung cho…bóng đá, chứ không và chưa bao giờ cho những công việc khác nên ông thực sự không đỡ nổi …
Ngay lập tức “bộ ba” rơi vào tầm ngắm của cơ quan chức năng và của công luận nhưng may mắn là mọi việc dừng lại đúng lúc. “Bộ ba” lần lượt rời SLNA không một lời hẹn. Cụ thể, Nguyễn Hồng Thanh ra HN.ACB và lại tiếp tục…tai tiếng khi hai đội bóng gặp nhau. Hễ cứ đến cặp đấu này là báo chí có đề tài để bàn luận, đồn thổi.
Không chỉ vậy, một loạt cầu-thủ-cháu ở SLNA lĩnh án vì nể bác Thanh mà chơi giả vờ, giả vịt, biếu điểm cho HN.ACB. Lại cũng nghe nói bác Thanh về Nghệ gom cầu thủ trẻ của SLNA ra làm nguồn cho đội bóng mới, nhưng rõ ràng, HN.ACB chẳng bao giờ đủ can đảm để làm bóng đá trẻ cho tử tế.
Cứ xem mùa này sẽ thấy rõ, khi HN.ACB giành suất xuống hạng đầu tiên cũng là lúc SLNA đá thắng người-anh-em và đăng quang, cũng đủ thấy vai trò Khổng Minh xứ Nghệ ở chỗ nào trong làng bóng chuyên nghiệp nhiều zic zac này.
Bộ đôi Nguyễn Hồng Thanh - Nguyễn Hữu Thắng đã mang lại thành công cho SLNA trong mùa giải vừa qua |
Khi SLNA có đủ nguồn lực tài chính, điều cần kíp là người cầm lái. Nhà tài trợ lập tức hướng về cặp thầy trò ăn ý Hồng Thanh-Hữu Thắng và tỉnh, ngành “vời” họ tái hợp SLNA. Nhưng mọi việc không thể ăn ngay khi ngoại binh yếu và dàn trẻ chưa đủ sức trui rèn.
Phải đến mùa giải 2011, SLNA mới thực sự khiến đối thủ e ngại. Nguyễn Hồng Thanh lại vô cùng “mát tay” khi chọn ngoại binh. Họ thực sự là trụ cột ở cả 3 tuyến, góp phần giải phóng sức lực cho nội binh và kết hợp cả hai thành một khối.
Lâu nay, ông Thanh không ngồi trong khu kỹ thuật dưới sân với Hữu Thắng cùng ban huấn luyện để chỉ đạo học trò mỗi khi SLNA thi đấu. Ông thường chọn một chỗ khiêm tốn ở VIP2 trên khán đài A, nơi cánh chúng tôi vì không thể leo lên VIP thường tụ tập ở đó. Vừa xem vừa hỏi vừa bình luận, nhưng trận đấu SLNA-HN.T&T vừa mới đây thì không kịp nói gì vì mải theo từng đường bóng, nhất là 20 phút cuối cùng dài như …10 năm SLNA không vô địch vậy!
Tan trận, Nguyễn Hồng Thanh đi bắt tay từng người và chỉ nói được câu “Cám ơn anh!”. Tôi nắm chặt tay ông lâu hơn thường lệ, và cũng chỉ nói được một câu: “Rất mừng anh!”
Lại nhớ những lần ông đích thân ký tiền và trực tiếp trao thưởng cho các cầu thủ thiếu niên-nhi đồng trong các giải đấu thường niên do Báo Nghệ An tổ chức. Lại nhớ những lần ông đứng đợi chúng tôi ở cửa sân vận động để giành cho chúng tôi tấm vé xem SLNA thi đấu sân khách…
Nhớ những trận đấu thua liểng xiểng của chúng tôi với các cựu cầu thủ SLNA do đích thân Nguyễn Hồng Thanh mời để giao lưu hiểu biết lẫn nhau …
Bất giác, tôi lại nhớ cái bắt tay trước căn nhà mưa rơi năm ấy. Vâng, từ ngày ấy, Nguyễn Hồng Thanh đã ra đi, kết thúc chu kỳ thành công của bóng đá bao cấp, và gánh chịu nhiều thất bại để rồi về lại làm mới SLNA, mở ra chu kỳ thành công mới của bóng đá chuyên nghiệp không chỉ biết rải tiền mà cái chính là phải biết đào tạo căn cơ, bài bản.