Dân Việt

Kỷ niệm 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến: Cảm tử quân đầu tiên

Gia Tưởng 15/12/2016 06:19 GMT+7
Không sinh ra ở Thủ đô, nhưng vì mảnh đất thiêng liêng này, người chiến sĩ ấy đã hy sinh khi mới 26 tuổi. Đó là Anh hùng Lê Gia Đỉnh-Chính trị viên của Đại đội 1, Tiểu đoàn 101 Vệ quốc đoàn có nhiệm vụ trấn giữ Bắc Bộ Phủ, nay là di tích lịch sử cách mạng số 12 Ngô Quyền. Trong kháng chiến, anh đã ôm bom ba càng lao thẳng vào quân địch.

Kỷ niệm 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946 - 19.12.2016).

Người cảm tử quân số một

Để tìm hiểm thông tin về người cảm tử quân đầu tiên trong chiến dịch toàn quốc kháng chiến, chúng tôi tìm đến Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, nơi đang lưu giữ thông tin về Anh hùng Lê Gia Đỉnh. Anh hùng Lê Gia Đỉnh (sinh năm 1920 ở làng Chắm - tức Trúc Lâm), huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Anh lớn lên ở thị xã Hưng Yên. Năm 1945, anh tham gia giành chính quyền ở Hưng Yên, sau đó vào bộ đội, lên đóng quân ở Hà Nội. Anh là Chính trị viên Đại đội 1, gồm các chiến sĩ cảm tử thuộc Tiểu đoàn 101 Vệ quốc đoàn (lúc này Hà Nội có 12 đội cảm tử).

img

Con phố mang tên Lê Gia Định ở Hà Nội. G.T

Bắc Bộ Phủ (nay là số nhà 12 phố Ngô Quyền - nhà khách của Chính phủ) nguyên là tư dinh của Thống sứ Bắc Kỳ được xây dựng lại từ năm 1918 trên phần đất của chùa Báo Ân xưa. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, nơi đây là Phủ Khâm sai cai quản cả Bắc Kỳ. Sau cách mạng Tháng Tám 1945, ngôi nhà này trở thành nơi làm việc của Hồ Chủ tịch và Chính phủ. Như chúng ta đều biết, ngày 19.12.1946 là ngày bắt đầu cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta kéo dài 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Quân dân Thủ đô đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc.

 Chiều ngày 19.12, Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho các đơn vị vũ trang chiến đấu theo thời gian đã quy định.  20 giờ 03 phút tối 19.12.1946, điện toàn thành phố phụt tắt, Pháo đài Láng bắn pháo làm lệnh tấn công. Cùng lúc đó, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch được truyền đi khắp cả nước. Tất cả các lực lượng vũ trang Thủ đô đồng loạt tấn công các vị trí đóng quân của thực dân Pháp. Trận chiến đấu diễn ra rất quyết liệt  trong đêm 19 và ngày 20.12.1946 tại Cửa Nam, đầu cầu Long Biên - Hàng Đậu, Bắc Bộ Phủ, khu Đấu Xảo (tức khu Cung Văn hoá Hữu nghị và Bộ Giao thông- Vận tải ngày nay), toà án, Hoả Lò, Nhà hát Lớn, Ga Hàng Cỏ, trụ sở Bộ Quốc phòng, Nhà máy Bia Homel, Sở Xe điện, Nhà máy Điện Bờ Hồ, Bưu điện... mà ác liệt và kéo dài nhất là ở Bắc Bộ Phủ.

Tại Bắc Bộ Phủ, ngay sau khi điện toàn thành phố tắt, quân Pháp đóng ở khách sạn Metropole lập tức nã súng máy vào vị trí này, quân ta bắn trả lại. Quân ta ở Bắc Bộ Phủ lúc bấy giờ là đơn vị của Lê Gia Đỉnh trấn thủ. Suốt đêm 19 và ngày 20.12, quân địch nã pháo rồi liên tục mở 4 đợt tấn công vào Bắc Bộ Phủ, một mũi tấn công trực diện ở phố Ngô Quyền, một mũi từ Vườn hoa Chí Linh (nay là Vườn hoa Lý Thái Tổ) đánh tạt vào sườn trái của Bắc Bộ Phủ. Xe tăng gầm rú bắn phá một hồi lâu, các chiến sĩ ta vẫn không bắn trả, chúng tưởng quân ta đã không còn chiến đấu được nữa liền tiến vào. Chờ giặc vào vừa đúng tầm súng, các chiến sĩ cảm tử của Đại đội 1 từ các góc tường, cửa sổ, ụ đất ném hàng loạt bom (lúc đó là bom ba càng), chai cháy, lựu đạn, quân ta tấn công mãnh liệt làm cho địch hoảng hốt.

Để Tổ quốc quyết sinh

Cuộc chiến đấu kéo dài đến 11 giờ trưa ngày 20.12, giặc vẫn không vào nổi Bắc Bộ Phủ. Khi đạn dược đã cạn, chính trị viên Lê Gia Đỉnh ra lệnh cho tất cả các chiến sĩ còn lại phải chuyển thương binh theo giao thông hào sang nhà Bưu điện, chỉ còn mình anh ở lại. Đợi cho giặc Pháp xúm vào mình, anh đã cho nổ quả bom cuối cùng để tiêu diệt bọn chúng và hy sinh tại đó.

Anh Lê Gia Đỉnh cùng đơn vị đã nêu cao tấm gương xả thân vì Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô, bảo vệ Bắc Bộ Phủ đến hơi thở cuối cùng, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong hai ngày này, toàn thành phố đã tiêu diệt trên 300 tên địch, 5 xe tăng, 7 xe quân sự của địch, riêng tại Bắc Bộ Phủ, 122 tên địch đã bị tiêu diệt, 4 xe tăng và 3 xe quân sự của địch đã bị phá hủy, góp phần phá tan kế hoạch của thực dân Pháp là đánh chớp nhoáng, chiếm Hà Nội trong vòng 24 giờ.

Từ năm 1994, TP.Hà Nội có một đường phố được mang tên Lê Gia Đỉnh. Phố này ở phường Phố Huế thuộc quận Hai Bà Trưng. Phố dài 350m đi từ phố Đồng Nhân, qua khu tập thể Nguyễn Công Trứ, lượn khúc tới phố Thịnh Yên, chạy phía sau đền Hai Bà Trưng (còn gọi là đền Đông Nhân). Tháng 4 năm 2000, chính trị viên Lê Gia Đỉnh, chính thức được Đảng và nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Để xứng đáng với niềm tin tưởng của Người, đêm 30 tết, các chiến sĩ Hà Nội đã mở đợt tấn công địch ở nhiều nơi và cắm cờ đỏ sao vàng trên đỉnh Tháp Rùa, thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất và quyết tâm chiến đấu với quân thù, giữ vững các vị trí trọng yếu, ngăn chặn địch tiến công, khiến quân địch tổn thất nặng nề. Tại nhà Xô Va, ta diệt và làm bị thương 40 tên địch, đốt cháy 1 xe tăng, 1 xe thiết giáp. Trận Đồng Xuân, ta tiêu diệt gần 200 tên địch. Đứng trước tình hình khó khăn, để bảo toàn lực lượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định Trung đoàn Thủ đô bí mật rút quân bảo toàn lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Chính những hành động dũng cảm trong chiến đấu và sự động viên kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà tất cả các thanh niên, chiến sĩ của Thủ đô, đã mang lời thề quyết tử đó đi theo suốt cuộc chiến. Để sau này, ngày 10.10.1954 Hà Nội được giải phóng, lời thề quyết tử một lần nữa được tôn vinh giữa rừng hoa, rừng cờ của nhân dân chào đón đoàn quân giải phóng.