Dân Việt

Bê bối tại dự án “biệt thự dầu khí” ở TP.HCM

24/08/2011 06:53 GMT+7
(Dân Việt) - Ba cán bộ của ngành dầu khí đã “vẽ” nên một dự án khu làng biệt thự vườn dầu khí tại TP.HCM. Gần 10 năm qua, các nhà đầu tư lỡ tin vào dự án này đã phải dở khóc, dở cười vì tiến cũng không được mà lùi cũng không xong!

Mượn “đầu heo nấu cháo”

Thực chất chỉ là dự án Khu biệt thự kết hợp kinh tế vườn tại phường Long Phước, quận 9, TP.HCM nhưng ngay từ đầu các ông Hoàng Bá Cường (Phó phòng Kế hoạch PVEP – hiện là Giám đốc Công ty Thăm dò khai thác dầu khí trong nước PVEP-POC), Nguyễn Quốc Quân (Phó phòng Khoan và thăm dò địa chất – hiện là giám đốc một công ty liên doanh về thăm dò, khai thác dầu khí) và ông Đinh Văn Dĩnh (Trưởng phòng Kế hoạch tài chính) đã lập lờ, mượn danh nghĩa dầu khí để tạo niềm tin kêu gọi nhà đầu tư góp vốn.

img
Các thành viên góp vốn đang trao đổi với phóng viên NTNN.

Chỉ trong vòng 5 ngày, 3 cá nhân này đã “hóa phép” dự án của công đoàn Công ty Thăm dò khai thác dầu khí PVEP thành dự án của cá nhân do 3 ông này đại diện và tự xưng thành “Ban đại diện dầu khí” để giao dịch thu tiền góp vốn của các nhà đầu tư. Các phiếu đăng ký được phát ra kêu gọi góp vốn thực hiện dự án với tên gọi “Dự án biệt thự vườn Dầu khí”, có 260 nền loại 500m2 được bán với giá 44 lượng vàng SJC và 70 nền loại 1.000m2 với giá 86 lượng vàng SJC.

Khi đã thu tiền đặt cọc của các nhà đầu tư (30% giá trị nền), lấy lý do không có chức năng thực hiện dự án, Ban đại diện dầu khí đã thuê Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Song Đạt làm dịch vụ trọn gói từ việc xin giao đất, thuận các chủ trương đến làm đồ án quy hoạch, hoàn tất hạ tầng…

Ông Nguyễn Duy Luân, một thành viên góp vốn cho hay, nếu không có hai chữ “dầu khí” mà Ban đại diện dầu khí gắn vào tên của dự án, thì anh và các bạn của anh đã không bao giờ đổ tiền vào đầu tư. Bà Nguyễn Thị Kim Liên (thành viên góp vốn) cho biết việc thu tiền của Ban đại diện dầu khí diễn ra tại phòng Tài vụ Công ty PVEP, trên phiếu thu có thể hiện tiêu đề “Công ty Thăm dò khai thác dầu khí”. Vì thế, chị và các thành viên góp vốn khác lầm tưởng dự án này là của ngành dầu khí. Bà Liên bức xúc: “Nếu biết dự án này không phải của dầu khí thì chúng tôi đã chẳng tham gia”.

“Bóp cổ” nhà đầu tư

Ban đại diện Dầu khí đã thu của các thành viên góp vốn tổng cộng 85% giá trị nền (khoảng 9.720 lượng vàng SJC) và bị chiếm dụng vốn một thời gian dài. Dù đã đóng tiền và theo cam kết sau 6 tháng sẽ nhận được nền đất trong dự án nhưng gần 10 năm qua, dự án vẫn chưa đi đến đâu và các thành viên góp vốn bị ép buộc phải nhận nền chỉ 250m2 không đúng với cam kết ban đầu và phải đóng thêm nhiều khoản tiền bất hợp lý khác khiến họ cảm thấy bị lừa gạt.

Luật sư Phan Trung Hoài: Tính pháp lý của dự án chưa đảm bảo

Các nhà đầu tư bỏ tiền vàng ra trong thời gian gần chục năm rồi, trị giá tiền vàng họ bỏ ra thời điểm đó so với bây giờ rất lớn nhưng dự án chưa đâu vào đâu cả. Dự án có những biến tướng và quá trình giải quyết nó cũng chưa đảm bảo tính pháp lý. Thời điểm ký kết, kêu gọi đầu tư thì dự án chưa được phê duyệt quy hoạch, chưa được thuận các chủ trương và tên gọi của dự án cũng không phải là biệt thự vườn dầu khí. Đến năm 2004, UBND TP.HCM mới có quyết định giao đất trong khi đã thu tiền vàng của các nhà đầu tư từ năm 2002 rồi. Mà tính pháp lý không đảm bảo nghĩa là giao dịch dân sự bị lừa dối.

Các nhà đầu tư bắt đầu phản đối kịch liệt khi chủ đầu tư thông báo chỉ giao nền với diện tích chỉ còn lại một nửa. Không những thế, họ còn chịu thêm nhiều khoản phí vô lý khác. Đầu tiên là phí quản lý 2% mà Ban đại diện dầu khí tự ý đặt ra để thu của các thành viên góp vốn mỗi người 0,88 lượng vàng.

Bà Đinh Bính Nguyệt, thành viên góp vốn cho biết: “Ban đại diện dầu khí không hề thỏa thuận trước với chúng tôi mà họ tự ý trừ đi 0,88 lượng vàng trong số tiền chúng tôi nộp qua từng giai đoạn và bắt chúng tôi nộp thêm tiền để bù vào”.

Vợ chồng bà Đinh Bính Nguyệt mua lại 4 nền từ người khác với giá chênh lệch 20 lượng vàng SJC/nền và phải chịu mức phí quản lý đến gần 4 lượng vàng SJC, đồng thời phải chịu thêm phí chuyển nhượng 5 triệu đồng/nền. Có khoảng gần 200 lượng vàng được gọi là phí quản lý mà Ban đại diện dầu khí đã thu của các thành viên góp vốn.

Ban đại diện dầu khí đã ký hợp đồng thuê Công ty Song Đạt làm dịch vụ trọn gói với giá 86 lượng vàng cho một nền loại 1.000m2. Như vậy, ngoài các loại phí kể trên, ba ông Hoàng Bá Cường, Nguyễn Quốc Quân, Đinh Văn Dĩnh đã “bóp cổ” mỗi nhà đầu tư để hưởng chênh lệch 2 lượng vàng SJC/nền trên tổng số 233 nền.

(Còn nữa)