Dân Việt

Hậu “30.000 tỷ đồng” - giấc mơ an cư xa tầm tay

Nguyễn Tường 17/12/2016 06:10 GMT+7
Cái kết đột ngột của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng khiến việc tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà ở xã hội của người thu nhập thấp trở nên xa tầm với. Nghị định 100/2015 của Chính phủ được kỳ vọng là một giải pháp hoàn hảo nhưng chưa đạt kỳ vọng trên thực tế...

Chưa hiệu quả

Xét về phương diện chính sách, Nghị định 100 của Chính phủ có những quy định ưu đãi hơn cả gói 30.000 tỷ đồng trước đây. Đơn cử như lãi suất vay mua nhà ở xã hội chỉ ở mức 4,8%/năm, thấp hơn cả gói 30 nghìn tỷ đồng. Nghị định bắt buộc mỗi địa phương phải dành 20% quỹ đất sạch để phát triển nhà ở xã hội. Doanh nghiệp (DN) được giao đất sạch, giảm thuế thu nhập, người dân cũng được giảm một nửa thuế VAT.

Tuy nhiên, dù ra đời hơn một năm nhưng nghị định gần như chưa có giá trị trên thực tế vì nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc nguồn vốn đối ứng và quỹ đất sạch. “Chính sách đã có nhưng làm nhà ở xã hội vẫn rất cực. Còn nhiều vướng mắc nhiêu khê quá”- Chủ tịch Hội đồng quản trị Địa ốc Hoàng Quân, ông Trương Anh Tuấn than thở.

img

Gói 30.000 tỷ đồng khép lại, giấc mơ có nơi an cư của rất nhiều người càng trở nên khó thành hiện thực.  ảnh: N.T

Theo ông Tuấn, so với các tỉnh khác, công ty ông tốn khá nhiều thời gian về vấn đề thủ tục pháp lý và cơ chế khi triển khai dự án ở TP.HCM. Khi Hoàng Quân làm dự án ở các tỉnh thì được giao đất “sạch”, trong khi ở TP.HCM thì DN phải mua và giải phóng mặt bằng. Hay như dự án nhà ở xã hội Bình Trưng Đông, quận 2 (TP.HCM) công ty đăng ký hồ sơ từ năm 2014 nhưng 2 năm sau mới được chấp thuận.

Đại diện Công ty CP Đầu tư Nam Long cho hay chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án nhà ở xã hội sẽ được hoạch toán vào giá thành. Tuy nhiên nếu dự án xây dựng nhiều năm hay phương án đền bù do chủ đầu tư thoả thuận với người dân thì việc hoạch toán vào chi phí đất có tính đến chi phí bảo toàn vốn và các chi phí phát sinh trong quá trình đầu tư hay không?

Đừng để dân chờ

Khảo sát của Sở Xây dựng TP.HCM, thành phố có hơn 476.000 hộ dân chưa có nhà ở hoặc đang ở chung với cha mẹ, người thân. Trong đó, có khoảng 20.000 hộ gia đình cán bộ, công viên chức. 13.000 hộ dân bị di dời trong các dự án chỉnh trang đô thị trên địa bàn, không đủ điều kiện bồi thường hoặc tiền bồi thường không đủ để mua nhà ở thương mại. Khoảng 1,2 triệu người nhập cư, với khoảng 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội. Bên cạnh đó là 143.000 hộ thu nhập thấp có nhu cầu mua, thuê mua, thuê NƠXH.

Đích thân ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM thừa nhận, kế hoạch phát triển 30.000 căn hộ nhà ở xã hội trong 5 năm tới của thành phố gặp những thách thức không hề nhỏ. “Với nhu cầu bức thiết của người dân như, Sở đã có kế hoạch tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 39 dự án nhà ở xã hội trong 5 năm tới. Số lượng dự kiến 44.700 căn hộ, trong đó hoàn thành khoảng 30.000 căn”- ông Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, “kế hoạch 5 năm” này sẽ gặp rất nhiều trắc trở. Đại diện các DN đều than phiền, sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc đến nay gói tín dụng ưu đãi tiếp theo của Chính phủ theo Nghị định 100 vẫn chưa có giá trị thực tế. Vấn đề “đầu tiên” vẫn chưa có lối thoát khi chưa thấy ngân hàng tham gia. DN khó xây dựng kế hoạch phát triển dự án dài hơi, trong khi người mua thì thấp thỏm.

Trong khi chờ đợi, DN gắn bó với nhà ở xã hội như Hoàng Quân phải chủ động hỗ trợ lãi suất cho người mua. Người mua vay thương mại sẽ chi trả 6% lãi suất, phần còn lại DN chi trả. Chính sách hỗ trợ lãi suất cho khách hàng được áp dụng cho tất cả các dự án nhà ở xã hội của DN này. Sau khi chính sách được triển khai, theo ước tính sẽ có trên 5.000 khách hàng được áp dụng hỗ trợ lãi suất với số tiền giải ngân hơn 2.000 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Địa ốc Hoàng Quân Trương Tuấn Anh cho biết, DN phải huy động các nguồn vốn, tìm kiếm đối tác ngân hàng đồng hành, cắt giảm lợi nhuận. DN hy vọng chính sách này sẽ được Bộ Tài chính chấp thuận tính vào giá thành đầu tư nhà ở xã hội. “Chúng tôi đã đệ trình. Được chấp thuận hay không cũng phải làm. Vì không thể để dân chờ thêm nữa. DN cũng quyết tâm phát triển nhà ở xã hội nên cũng phải chủ động”- ông Tuấn Anh nói.

Trên thị trường hiện tại, có thực tế nhiều DN không còn mặn mà với NƠXH. Hàng loạt DN đã rời bỏ phân khúc “khó nhằn” này. Người thu nhập thấp càng ít có điều kiện tiếp cận vì sản phẩm quá ít. Ông Vũ Văn Phấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) trong cuộc hội thảo gần đây nói rằng có quá nhiều DN kêu ca vì thiếu nghồn vốn vay, nhất là sau khi gói 30.000 tỷ đồng khép lại.

Tại TP.HCM, đại diện Sở Xây dựng cho biết cũng đã có nhiều kiến nghị đệ trình chính phủ đốc thúc triển khai Nghị định 100 trên thực tế. Chỉ khi đó, cả DN lẫn người dân mới có cơ hội với nhà ở xã hội./.