Dân Việt

SEA Games "ao làng", đã chơi đừng kêu ca

27/10/2011 06:27 GMT+7
(Dân Việt) - “Đây là cái “ao làng”, thiếu chuyên nghiệp, trình độ thấp. Nên đã xác định chơi thì đừng kêu ca, hãy chấp nhận vượt khó” - ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Trưởng đoàn TTVN tại nhiều kỳ SEA Games nói.

Cách đây nửa tháng, Ban tổ chức SEA Games 2011 từng gây “sốc” nhẹ khi quyết định thay đổi lịch thi đấu môn bóng đá nam. Khi đó, chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh đã nói: “Điều này thể hiện sự lạc hậu của bóng đá Đông Nam Á, và những người trong cuộc phải coi đó là chuyện… bình thường”.

img
Đội tuyển U23 Việt Nam phải vượt khó để có niềm vui trọn vẹn tại SEA Games 2011.

HLV Goetz “hoảng”?

Thực tế, khi đặt chân tới Việt Nam, HLV Goetz đã gờn gợn khi nghĩ tới mục tiêu HCV SEA Games 2011 mà VFF đặt ra. Tại sao bao nhiêu người tiền nhiệm đều bất lực trước một “mảnh vàng” tưởng gần mà hóa xa. HLV Calisto hiểu bóng đá VN là thế, chấp nhận đi tới cùng cuộc chơi là vậy, nhưng cũng cam phận bạc ở SEA Games 2009.

Cái khó (và dễ) nằm ở chỗ HLV từng làm việc ở Bundesliga - một trong những giải đấu hàng đầu thế giới như HLV Goetz đâu dễ đầu hàng trước những chướng ngại vật cỏn con. Thế là ông thầy người Đức gật đầu (để tự hào và hãnh diện) với mục tiêu HCV SEA Games: “Tôi không quan tâm đến các đối thủ, mà chỉ cố gắng làm sao có sự chuẩn bị tốt nhất”.

Thậm chí, trong lần trao đổi với báo chí gần đây, ông Goetz nói ông không ngại bất kỳ điều gì liên quan tới bóng đá, và chỉ “sợ” bà xã. Tự tin đến thế, nhưng nếu bây giờ ai đặt câu hỏi cho HLV Goetz về những thay đổi liên tục mang tên Ban tổ chức SEA Games 2011 thì chắc ông cũng bắt đầu hoảng.

Với những HLV chuyên nghiệp, điều quan trọng nhất là tính kỷ luật, sau đó mới đến thể lực, tinh thần đồng đội (HLV Goetz đã nói rõ về 3 nhân tố quan trọng trong triết lý làm bóng đá của mình). Và không quá khi cho rằng, HLV Goetz đã đặt được khá nhiều dấu ấn ở đội U23 VN, đặc biệt tại VFF Cup. Nhưng chắn chắn ông không thể ngờ tới những sự “vô kỷ luật” xuất phát từ chính Ban tổ chức SEA Games, chứ không phải từ học trò.

Nhưng không sao…

Lúc này, nên chăng, HLV Goetz hãy bớt bức xúc (nếu có) mà lắng nghe lời nói của những chuyên gia trong làng thể thao VN: “Có thể nước chủ nhà khó khăn thật về điều kiện cơ sở vật chất nên họ bất đắc dĩ phải làm vậy. Nhưng cũng có thể họ cố tình làm thế để hạn chế sức mạnh của ta. Cầu thủ bóng đá cần nhớ rằng các môn thể thao khác còn khổ hơn nhiều.

Ở nhiều môn, lịch thi đấu từ 10 - 22 giờ trong ngày, ai bốc thăm vào đâu phải chịu, phải thích nghi thôi. Chuyện U23 VN gặp U23 Brunei lúc 8 giờ sáng 11.11 vì thế hãy coi là bình thường” - ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Trưởng đoàn TTVN tại nhiều kỳ SEA Games nói.

Tiền đạo Hoàng Đình Tùng nói: “Chưa bao giờ chúng tôi phải thi đấu vào một thời điểm lạ lùng (8 giờ sáng) như thế cả. Nhưng khi Ban tổ chức SEA Games đã công bố thế, thì mình phải chấp nhận, vui vẻ vượt qua. Mình khó, đối thủ cũng khó mà”.

Một ví dụ nho nhỏ được ông Minh đưa ra là tại SEA Games 1997 cũng diễn ra tại Indonesia, đội tuyển TDDC VN từng “được” Ban tổ chức bố trí chỗ ở cách xa địa điểm thi đấu khoảng 2,5-3 giờ đi xe ô tô, đường xấu, nhiều người say xe, nhưng vẫn phải chấp nhận. “Đây là cái “ao làng”, thiếu chuyên nghiệp, trình độ thấp. Nên đã xác định chơi thì đừng kêu ca, hãy chấp nhận vượt khó” - ông Minh nói.

Ông Nguyễn Văn Vinh thì thản nhiên: “Tôi biết từ lâu rồi, chắc chắn Indonesia sẽ gây khó dễ cho U23 VN và các ứng viên vô địch môn bóng đá nam. Vấn đề là chúng ta phải xác định tâm lý, tư tưởng vững vàng, sẵn sàng vượt qua mọi thách thức, đừng bị ức chế mà rơi vào “bẫy” của đối phương”.