Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng (đội mũ cối) kiểm tra tình hình thiệt hại do lũ lụt tại huyện An Lão - Bình Định.
Chỉ trong 1 tháng, tỉnh Bình Định hứng chịu 5 đợt mưa lũ nghiêm trọng làm cho Bình Định hết sức khó khăn. Hiện nay vẫn còn 70 xã bị chia cắt bởi lũ, hàng nghìn hộ dân chưa về nhà được. Theo thống kê của Bình Định, đến nay đã có 31 người chết, trong đó 5 người hiện vẫn chưa tìm được xác, 10 người bị thương, trên 70 nghìn nhà ngập trong nước, trong đó 348 nhà sập hoàn toàn.
“Chúng tôi đã huy động tổng lực tất cả các cấp các ngành, công an, bộ đội để chống lũ. Trong đợt lũ vừa qua nếu không có lực lượng công an, bộ đội dốc sức chống lũ thì không biết thiệt hại sẽ lớn như thế nào. Hai lực lượng này đã nhanh chóng sơ tán dân và tài sản nên thiệt hại giảm nhiều. Tỉnh đã xuất 50 tỷ đồng từ ngân sách để mua các trang thiết bị phương tiện thiết yếu đảm bảo cho việc di dân nhanh chóng và an toàn”. Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định |
Nguy cấp hơn là các hồ chứa hiện nay đã đầy nước. Báo cáo Thủ tướng tại Hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung sáng nay, ông Hồ Quốc Dũng cho biết cơ sở hạ tầng của tỉnh hư hại rất nhiều, 14 hồ chứa nước chảy qua thân đập có nguy cơ bị vỡ đập, theo dự báo trong vài ngày tới mưa lũ vẫn tiếp tục, không biết các hồ chứa này sẽ như thế nào, tình hình hết sức phức tạp.
“Bà con nhân dân đã nằm trong lũ hơn 1 tháng qua bởi 5 cơn lũ dồn dập người dân đã kiệt sức rồi. Bộ Quốc phòng đã hỗ trợ khẩn cấp 5 tấn lương khô, nước uống bằng đường hàng không và sáng nay lực lượng công an đang vận chuyển lương khô lên vùng ngập lũ để tiếp tế khẩn cấp cho bà con. Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng tiếp tục hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, lương khô, nước uống và nhu yếu phẩm thiết yếu để hỗ trợ cho bà con vùng lũ” - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết.
Sau 5 đợt lũ xảy ra liên tiếp trong 1 tháng, cơ sở hạ tầng của tỉnh Bình Định bị thiệt hại nặng nề, ông Dũng cho rằng cơ sở hạ tầng Bình Định đã trở lại 10 năm về trước. Vì vậy ông kiến nghị Thủ tướng giành 1 gói ODA để tái thiết, khôi phục lại cơ sở hạ tầng cho tỉnh Bình Định nói riêng và các tỉnh miền Trung sau lũ nói chung.
"Nếu chỉ hỗ trợ vài trăm tỷ đồng thì không thể làm được gì” - ông Dũng nói.
Theo ông, không chỉ có cơ sở hạ tầng, vấn đề giáo dục cũng rất nguy cấp. 50.000 học sinh đang đối mặt với tình trạng bỏ học bởi toàn bộ sách vở của học sinh đã bị cuốn trôi theo lũ, nhà cửa bị ngập, không những thế tiền học phí cũng không có để trang trải việc học.
"Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục đào tạo cung cấp sách vở miễn phí cho học sinh, bên cạnh đó miễn học phí cho con em vùng lũ. Giờ nếu không được hỗ trợ, nguy cơ các em sẽ không tới trường được” - ông Dũng đề nghị.
Đối với sản xuất vụ đông xuân, các tỉnh miền Trung đã bị chậm mùa vụ hơn 20 ngày, ông đề nghị Thủ tướng cho chỉ đạo mở cuộc họp khẩn cấp về việc xử lý vụ đông xuân.
"Bây giờ nước ngập như thế này thì không thể triển khai sản xuất vụ đông xuân được, đã chậm rồi, nếu không triển khai được thì dân sẽ đói dài” - ông Dũng cho biết.