Đà Lạt – xứ sở của ngàn hoa, thành phố của tình yêu. Đã có biết bao chuyện tình đẹp đẽ bắt đầu từ thành phố sương mù quanh co lối dốc này. Có lẽ lúc Trịnh Công Sơn gặp Lệ Mai tại phòng trà Đà Lạt, để rồi trở thành cặp bài trùng reo âm nhạc Trịnh Công Sơn khắp mọi miền, người ta không thể nghĩ tới sẽ có một cặp nam thanh nữ tú nữa cũng lại khởi đầu từ Đà Lạt nhưng không chỉ là cặp bài trùng trong âm nhạc mà còn là một cặp uyên ương một thời. Đó là Lê Uyên – Phương.
Cặp bài trùng trong âm nhạc và là một cặp uyên ương một thời: Lê Uyên – Phương.
Lê Uyên Phương gốc gác nửa Huế, nửa Quảng Nam. Cha ông họ Phan nhưng do thời cuộc biến động với phong trào Phan Bội Châu nên đổi thành họ Lê. Ông có tên khai sinh là Lê Minh Lập. Sau do chiến tranh, giấy tờ thất lạc trong hai lần làm lại giấy khai sinh, tên ông bị khai nhầm thành Lê Minh Lộc, rồi sau đổi thành Lê Văn Lộc.
Năm 1960, ông đã viết ca khúc đầu tay “ Buồn đến bao giờ” ở Pleiku với bút danh Lê Uyên Phương. Phương là tên đệm của mẹ. Còn Uyên là tên người yêu đầu tiên. Số phận đã bắt ông phải có một cuộc đời sóng gió với một tình yêu cháy bỏng không biết đâu là biên giới với một cô học trò thua ông 11 tuổi và hát rất hay. Mỹ nhân ấy có tên là Lâm Phúc Anh.
Lâm Phúc Anh gốc gác người Hoa, cha cô là người Hải Nam. Còn mẹ ông là người Triều Tiên. Xong dòng họ hai người đã định cư ở Hà Nội nhiều đời làm thương gia.
Do gia đình giàu có, Lâm Phúc Anh được cha mẹ cho theo học ở trường Tây song trong lúc bấy giờ ở Đà Lạt – trường Vingo Maria. Căn nhà Lâm Phúc Anh trọ học chỉ cách nhà Lê Uyên Phương một căn. Không chỉ là con nhà giàu có, Lâm Phúc Anh xinh đẹp, đài các, rất lãng mạn và đầy cá tính ở tuổi 16.
Gặp người thầy có gương mặt nghệ sĩ, có ánh mắt ám ảnh, Lâm Phúc Anh đã thấy trong mình có những rung động. Duyên phận đã làm nên tiếng sét ái tình. Và thế là tình yêu bừng nở như hoa Đà Lạt. Nó càng mãnh liệt hơn khi Lâm Phúc Anh biết Lê Uyên Phương mắc bệnh ung thư xương.
Từ giây phút sét đánh ấy, họ đã hòa vào nhau làm một. Họ thở trong nhau, con tim đập trong nhau. Từng con đường, vạt cỏ khóm hoa Đà Lạt đầu như mở ra đón đôi tình nhân vào lòng với những cơn nồng say êm ái. Và hồ Than Thở đã bao lần chứng kiến tình yêu cháy bỏng này.
Chờ em đến đây đem ngàn phấn hương
Màu môi vẫn tươi trong nắng chiều
Vòng tay âu yếm muôn vàn mến thương
Đàn ơi hãy quên đi ngày gió sương
Những giai điệu từ Lê Uyên Phương tuôn trào. Nó được chắp cánh bằng giọng hát Lâm Phúc Anh. Tình yêu trắc ẩn của họ khi bị gia đình phát hiện thì đã vấp phải một lực cản lớn. Lâm Phúc Anh đã bất chấp tất cả, thậm chí đã uống thuốc tự vẫn nhưng không thành.
Gia đình vẫn bắt Lâm Phúc Anh về Sài Gòn dù đang học dở. Xa nhau, giai điệu Lê Uyên Phương càng tuôn trào. Không chịu nổi cách ngăn, Lê Uyên Phương thường lao như bão tố xuống Sài Gòn.
Đó là thời gian ca khúc “Khi loài thú xa nhau” được Lê Uyên Phương viết ra. Để trọn vẹn bên nhau, Lâm Phúc Anh đã đặt gia đình vào sự đã rồi khi có bầu với Lê Uyên Phương. Thế là họ nên vợ nên chồng. Họ nhanh chóng thành cặp song ca nổi tiếng. Lâm Phúc Anh lấy nghệ danh là Lê Uyên.
Họ đã hát vang những “Chiều phi trường”, “Không nhìn nhau lần cuối”, “Lời gọi chân mây”, “Hãy ngồi xuống đây”. Họ cứ người hát, người vừa hát vừa chơi guitar rất bụi bặm.
Đi sâu vào cách lập ngôn ca từ Lê Uyên Phương, càng thấy những sự lạ ở ông. Khi ông viết “Em lên ngày mai” thì có khi chỉ là một câu bâng quơ nói về thời gian đến với nhau của hai người tình rất thực nhưng nó lại ẩn dụ xa xôi một xa xôi ở ngoài thời gian cụ thể mà là thời gian của thì tương lai tượng trưng.
Có lúc Lê Uyên Phương công khai tuyên bố sự tàn lụi trong bài “Hãy ngồi xuống đây”: “Hãy ngồi xuống đây – Như loài thú hoang – Yêu nhau ngoài đồng – Dưới nắng ban mai – Kiếp sống hoang sơ…”.
Chuyện tình trắc ẩn của Lê Uyên – Phương cũng thế! Năm 1975, họ và hai con gái Lê Uyên Uyên và Lê Uyên Mi về Đà Lạt rồi 1979 thì sang định cư ở Mỹ. Ở đấy, năm 1984 họ chia tay nhau mà không tiết lộ lý do.
Ca sĩ Lê Uyên sẽ về Việt Nam biểu diễn các ca khúc của người bạn đời.
Nghe “Cho lần cuối”, mãi đến lúc đó họ mới thấy sự chia ly đã được báo trước. Thời gian dần dà khiến họ ngẫm nghĩ lại trong những năm tháng xa nhau. Cuối cùng họ đã tái hợp với nhau. Song khi ấy, thời gian chỉ còn rất hiếm. Bạo bệnh đã cướp Lê Uyên Phương đi ngày 29/6/1999.
Từ di ngôn của người chồng – người tình lãng tử, Lê Uyên luôn ấp ủ được trở lại Việt Nam hát những giai điệu lãng mạn cho những cuộc tình bất tử.
Sau thành công vang dội tại Sài Gòn và Đà Lạt. Vào ngày 4/1/2017 tại nhà hát Lớn Hà Nội, lần đầu tiên Lê Uyên sẽ giới thiệu với khán giả thủ đô những tuyệt phẩm của người bạn đời trong liveshow với chủ đề “Dạ khúc cho tình nhân”.
Bên cạnh những bản tình buồn đầy suy tư của Lê Uyên Phương, khán giả còn có cơ hội thưởng thức những tuyệt phẩm của Trịnh Công Sơn và Phạm Duy qua tiếng hát nồng ấm của danh ca Lệ Thu và trong trẻo, thánh thót của Ánh Tuyết.